Các đơn vị gặp khó với giá phí vệ sinh môi trường

Ngân sách nhà nước vẫn phải bù lỗ để duy trì dịch vụ vệ sinh môi trường. Ảnh: MINH DUYÊN

Trên địa bàn tỉnh, từ các đơn vị nhà nước cho đến các tổ chức tập thể, tư nhân đều lỗ khi làm dịch vụ thu gom rác thải. Vấn đề này cần sớm giải quyết để tiến tới xã hội hóa hoạt động phục vụ cộng đồng.

Hầu hết lỗ

Theo Sở TN-MT, đến nay nguồn ngân sách sự nghiệp đã hỗ trợ gần 11 tỉ đồng để các địa phương duy trì dịch vụ vệ sinh môi trường. Tính ra, việc thu chỉ đáp ứng bình quân 48% so với tổng chi cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

Ông Lê Hữu Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Yên (TX Sông Cầu), cho biết: Với mức thu 40.000 đồng/hộ/tháng, chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm nay, chênh lệch thực tế giữa thu và chi ở địa phương đã âm hơn 27,6 triệu đồng.

Không riêng mô hình thu gom rác thải ở phường Xuân Yên, mà nhiều dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn thị xã cũng đều báo lỗ. Theo UBND TX Sông Cầu, từ năm 2017, thực hiện thu phí vệ sinh môi trường theo Quyết định 1550 của UBND tỉnh, Sông Cầu thu được hơn 2,5 tỉ đồng nhưng chi tới gần 6,2 tỉ đồng. Địa phương phải sử dụng nguồn ngân sách nhà nước bù lỗ gần 3,7 tỉ đồng.

Không chỉ lỗ ở mô hình do chính quyền quản lý, mà các mô hình thu gom rác thải do các HTX, đơn vị tư nhân quản lý cũng rơi vào tình trạng này. Theo ông Nguyễn Hoàng Phố, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Ninh Tây (huyện Tuy An), đơn vị thu được 240 triệu đồng từ dịch vụ này, mà chi tới 330 triệu đồng, ngân sách nhà nước phải bù đắp 90 triệu đồng.

Dịch vụ vệ sinh môi trường là hoạt động kinh doanh, nhưng nhiều năm nay hoạt động này không những không mang lại đồng thuế nào cho Nhà nước mà còn trở thành gánh nặng cho ngân sách khi vẫn thường xuyên phải bù lỗ để duy trì. Theo Sở TN-MT, đến nay nguồn ngân sách sự nghiệp đã hỗ trợ gần 11 tỉ đồng để các địa phương duy trì dịch vụ. Tính ra, việc thu chỉ đáp ứng bình quân 48% so với tổng chi cho các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

Nhiều nguyên nhân

Trên thực tế, chi phí cho dịch vụ này không phụ thuộc vào lượng rác thải mà do rất nhiều nguyên nhân. Theo Sở TN-MT, thống kê tại 5 địa phương có lượng rác thải lớn, gồm TP Tuy Hòa 132 tấn/ngày, TX Sông Cầu 84,7 tấn/ngày, huyện Tuy An 60,5 tấn/ngày, TX Đông Hòa 57,6 tấn/ngày, huyện Tây Hòa 55,5 tấn/ngày. Trong đó, huyện Tây Hòa tuy có lượng rác thải thấp nhất nhưng lại là địa phương chi phí lớn nhất và ngân sách phải bù lỗ kinh phí lên tới gần 5,7 tỉ đồng. Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Nguyễn Hoàng Phố, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Ninh Tây, cho biết do mức thu phí không đổi nhưng chi lại lũy tiến theo giá cả thị trường. Cụ thể, từ năm 2009 đến nay, HTX vẫn thu 12.000 đồng/hộ/tháng, nhưng phải chi bình quân tới 15.000 đồng/hộ/tháng. Riêng lương công nhân vệ sinh từ 1 triệu đồng/người/tháng, nay đã tăng lên 4 triệu đồng/người/tháng.

Với các đơn vị khác, nguyên nhân còn ở chỗ vẫn có rất ít hộ tham gia đóng phí vệ sinh, mức giá được phép thu so với thực tế chi vẫn thấp hơn… Ông Lê Hữu Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Yên (TX Sông Cầu) cho biết thêm: Số hộ đóng phí vệ sinh môi trường ở địa phương chỉ đạt 57,9% (224/387 hộ) và con số này cũng không đồng đều theo tháng. Có thời điểm trên địa bàn có 408 hộ nuôi trồng thủy hải sản, nhưng có khi chỉ hơn 300 hộ. Con số 387 hộ là địa phương lấy số hộ nuôi ổn định nhất. Cùng với đó, giá thu phí chưa phản ánh được hộ nuôi nhiều lồng bè với hộ nuôi ít và còn mang tính đánh đồng. Khi mới bắt đầu triển khai mô hình, địa phương dự kiến hộ nuôi nhiều hơn 30 lồng sẽ đóng phí dịch vụ 70.000 đồng/hộ/tháng và ít hơn 30 lồng đóng 50.000 đồng/hộ/tháng. Nhưng các hộ nuôi không đồng ý với mức giá này. Cuối cùng giá dịch vụ áp dụng là 40.000 đồng/hộ/tháng và được UBND tỉnh thống nhất tại Công văn 3656/UBND-KT ngày 12/7/2019. Mức phí dự kiến ban đầu được địa phương tính trên chi phí thực tế theo giá cả thị trường, còn mức sau này là mức phí hỗ trợ nên việc bù lỗ là không tránh khỏi.

Theo Sở TN-MT, công tác thu phí theo Quyết định 1550 của UBND tỉnh đã được điều chỉnh tăng cao hơn so với mức thu theo Nghị quyết 95/2013/NQ-HĐND. Như vậy từ năm 2017 đến nay, nguồn thu từ phí vệ sinh cho các đơn vị thực hiện dịch vụ vệ sinh môi trường đã tăng so với trước nhưng chất lượng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải chưa cải thiện. Việc thu một mức giá với các hộ kinh doanh và hộ gia đình, hộ trong hẻm và hộ ngoài mặt đường cũng được cho là không công bằng nên người dân không nhiệt tình tham gia. Phú Yên đang tiến tới xã hội hóa hoạt động này để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, và để khuyến khích các tổ chức tham gia, sở sẽ cùng các địa phương có kiến nghị phù hợp về sửa đổi giá dịch vụ, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hiểu biết của cộng đồng để người dân tích cực hưởng ứng…

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/244667/cac-don-vi-gap-kho-voi-gia-phi-ve-sinh-moi-truong.html