Các đơn vị vũ trang chủ động ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu bão số 6
Các lực lượng vũ trang tiếp tục thực hiện nghiêm, duy trì nghiêm chế độ ứng trực cứu hộ, cứu nạn ở các cấp 24/24 giờ; chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình mưa lũ do hoàn lưu sau bão số 6.
Ngày 24/9, Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng) có điện số 35/TK gửi: Bộ Tư lệnh Quân khu 4, 5; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bộ Tư lệnh Quân chủng: Hải quân, Phòng không-Không quân; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Binh đoàn 18 đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm, duy trì nghiêm chế độ ứng trực cứu hộ, cứu nạn ở các cấp 24/24 giờ; chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình mưa lũ do hoàn lưu sau bão số 6; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra.
Kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng để triển khai các biện pháp phòng, chống, bảo đảm an toàn cho bộ đội, doanh trại, kho tàng và khí tài trang bị.
Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị trên địa bàn kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, vận hành đón lũ; bảo đảm an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp; sẵn sàng triển khai phương án ứng cứu các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, khu vực bị chia cắt, cô lập, sơ tán, giúp dân đến nơi an toàn, đồng thời triển khai phòng dịch COVID-19.
Chủ động điều động lực lượng, phương tiện giúp dân khắc phục hậu quả do mưa lũ; sửa chữa nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đêm qua (23/9), bão số 6 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi sâu vào đất liền khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam. Sáng nay, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành vùng áp thấp. Dự báo, trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp, từ ngày 24-25/9, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa đến mưa to với lượng mưa phổ biến từ 50-150 mm, có nơi trên 150 mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi; ngập úng cục bộ ở vùng trũng, thấp, ven sông.
Bên cạnh quân đội, lực lượng công an các đơn vị, địa phương cũng đang chủ động ứng phó với diễn biến áp thấp nhiệt đới và mưa lũ. Văn phòng Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp; thực hiện tốt công tác tuyên truyền về bảo đảm an toàn cho nhân dân và công tác triển khai ứng phó của lực lượng CAND, bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm nhiệm vụ ứng phó, tác nghiệp tại thực địa và giúp đỡ nhân dân trong thiên tai.
Bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, an toàn về người, tài sản của nhân dân; chủ động rà soát phương án, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tại các khu vực trọng điểm để sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh khi có yêu cầu.
Ngoài ra, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lũ.