Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Giang kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa bão tại huyện Lục Ngạn

Sáng 8/9, các đồng chí: Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu 2 đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa bão tại huyện Lục Ngạn.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Lục Ngạn, từ đêm 8/9, nước sông Lục Nam dâng cao; một số xã như Phong Vân, Tân Hoa, Biển Động… ngập nước, bị cô lập. Mực nước các hồ chứa đầy, cơ bản vượt tràn xả lũ (hồ Khe Sàng, xã Đèo Gia tràn 180 cm; hồ Khuôn Vố, xã Tân Lập tràn 70 cm; hồ Dọc Bấu, xã Biên Sơn tràn 100 cm).

 Đồng chí Mai Sơn nắm bắt tình hình tại Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn.

Đồng chí Mai Sơn nắm bắt tình hình tại Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn.

Dự báo nước lũ trên sông Lục Nam tiếp tục lên nhanh, cao hơn đỉnh lũ năm 2008 (15,75 m); nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại các xã ven sông Lục Nam và các xã: Sa Lý, Phong Minh, Phong Vân, Biển Động, Tân Hoa, Biên Sơn.

Trên địa bàn huyện có một người dân (chưa xác định rõ danh tính) đi từ xã Tân Hoa sang Biển Động bị nước cuốn trôi. Hiện lực lượng cứu nạn, cứu hộ đang xác minh, tìm kiếm.

 Đồng chí Lê Ô Pích kiểm tra điểm ngập tại xã Giáp Sơn (Lục Ngạn).

Đồng chí Lê Ô Pích kiểm tra điểm ngập tại xã Giáp Sơn (Lục Ngạn).

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã khẩn trương di dời 760 hộ dân thuộc địa bàn các xã: Sa Lý, Phì Điền, Kim Sơn, Biển Động, Tân Lập, Trù Hựu, Tân Hoa, Nam Dương, Đèo Gia, Tân Lập, Tân Quang và thị trấn Chũ đến nơi an toàn.

Thống kê nhanh, toàn huyện có 455 nhà dân; 15 kho xưởng; 35 cơ sở trường học, nhà văn hóa, trạm y tế và cơ sở vật chất khác bị tốc mái, hư hỏng; 16 ngầm, 5 xã, 42 thôn bị chia cắt; 3 điểm sạt lở; 22 cột điện gãy đổ; 12 công trình khác như kho xưởng, cổng nhà dân… bị sập; khoảng 500 ha hoa màu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp bị ngập úng, bật gốc, gãy đổ; nhà của 2 hộ tại xã Biên Sơn có nguy cơ đổ đã được hỗ trợ di chuyển đến nơi an toàn.

 Lực lượng quân đội trực hỗ trợ người dân tại xã Giáp Sơn (Lục Ngạn).

Lực lượng quân đội trực hỗ trợ người dân tại xã Giáp Sơn (Lục Ngạn).

Sau khi nắm tình hình, đồng chí Mai Sơn cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra các điểm ngập lụt tại thôn Bình Lửa (xã Biên Sơn), thôn Hạ Long (xã Giáp Sơn). Tại những nơi này, nước ngập cao 40-50 cm, phương tiện khó đi lại. Đồng chí yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương thông báo rộng rãi để người dân không lưu thông, đánh bắt thủy sản, thu vớt củi tại khu vực nước ngập sâu; bố trí cán bộ trực thường xuyên, kịp thời báo cáo tình hình.

Cùng thời gian, đồng chí Mai Sơn đến nắm tình hình tại Trường Tiểu học xã Hồng Giang. Được biết, nhà trường không có thiệt hại nặng do mưa bão. Để sẵn sàng đón học sinh đến trường vào ngày 9/9, đồng chí đề nghị cán bộ, giáo viên khẩn trương quét dọn, chỉnh trang khuôn viên, sân trường, phòng học, bảo đảm đầy đủ dụng cụ, đồ dùng phục vụ việc dạy và học.

 Điểm ngập tại thôn Trại Mới, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn).

Điểm ngập tại thôn Trại Mới, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn).

Đến kiểm tra Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn, đồng chí Mai Sơn yêu cầu cán bộ, nhân viên y tế tại đây bảo đảm tốt trang thiết bị, thuốc men, sẵn sàng lực lượng để cứu chữa người dân kịp thời, không để ai bị thiếu thuốc men.

Đoàn công tác do đồng chí Lê Ô Pích làm Trưởng đoàn kiểm tra thực tế tại các điểm bị ngập nước gây chia cắt giao thông trên tuyến quốc lộ 31 như: Các đoạn qua thôn Hạ Long, thôn Trại Mới (xã Giáp Sơn); thôn Mai Tô (xã Phì Điền). Đồng chí Lê Ô Pích đề nghị chính quyền, cơ quan chuyên môn từ huyện đến các xã, thị trấn bố trí lực lượng thường xuyên canh trực điều tiết, hướng dẫn người dân di chuyển đến nơi an toàn. Theo dõi sát tình hình mưa lũ để kịp thời có phương án bảo đảm an toàn cho người, tài sản và phương tiện của nhân dân.

 Nhiều diện tích vườn tại xã Đồng Cốc ngập trong nước.

Nhiều diện tích vườn tại xã Đồng Cốc ngập trong nước.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đề nghị huyện Lục Ngạn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tỉnh tăng cường lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa sang nhà cửa, khôi phục các đoạn đường giao thông bị hỏng để người dân sớm ổn định đời sống, đi lại thuận lợi. Đồng thời quan tâm sửa chữa các điểm trường bị ngập, hư hỏng. Ngành Nông nghiệp tiếp tục theo dõi sát tình hình mưa lũ, chủ động hướng dẫn và có giải pháp hỗ trợ nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi, phòng, chống dịch bệnh động vật.

Tin, ảnh: Nhóm PVKT

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/cac-dong-chi-lanh-dao-tinh-bac-giang-kiem-tra-chi-dao-khac-phuc-hau-qua-mua-bao-tai-huyen-luc-ngan-120959.bbg