Các dòng sông lớn ở châu Âu bị vi nhựa xâm chiếm một cách đáng báo động
Ngày 7/4, Quỹ Tara Oceán công bố nghiên cứu cho thấy tình hình ô nhiễm vi nhựa ở các dòng sông tại châu Âu ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến sự sinh tồn của các loại thủy sinh và sức khỏe con người.
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, ngày 7/4, Quỹ Tara Oceán công bố nghiên cứu cho thấy ô nhiễm vi nhựa - phát sinh từ lốp xe, từ việc mở nắp chai, hoặc từ các sợi vải tổng hợp - hiện diện trong mọi dòng sông ở châu Âu.
Một số hạt vi nhựa nổi trên mặt nước, số khác chìm xuống đáy sông: vi nhựa đã xâm chiếm các dòng sông ở châu Âu, từ sông Elbe ở Đức đến sông Ebre ở Tây Ban Nha, qua sông Seine ở Pháp và sông Thames ở Anh.
Ông Jean-François Ghiglione, Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) chuyên về độc học sinh thái biển, cho biết: “Ô nhiễm hiện diện trong tất cả các dòng sông châu Âu được nghiên cứu.” Ông là người đã điều phối chiến dịch khảo sát quy mô lớn vào năm 2019 trên 9 con sông lớn của lục địa già.
Cuộc khảo sát mang tên Tara Microplastiques này có sự tham gia của 40 nhà hóa học, sinh vật học và vật lý học từ 19 phòng thí nghiệm, cùng nhiều nghiên cứu sinh và nghiên cứu sau tiến sỹ, với sự hỗ trợ của Quỹ Tara Oceán.
Tại các con sông của châu Âu như Elbe, Ebre, Garonne, Loire, Rhône, Rhine, Seine, Thames và Tiber, các nhà nghiên cứu đã áp dụng chung một phương pháp: thu thập và phân tích mẫu nước tại cửa sông, sau đó tiến hành khảo sát ngược dòng đến thành phố lớn đầu tiên nằm trên sông.
Nhà vật lý-hóa học Alexandra Ter Halle thuộc CNRS Toulouse, người trực tiếp phân tích các mẫu, cho biết vi nhựa nhỏ hơn hạt gạo. Chúng là những hạt nhựa có kích thước dưới 5 mm, nhiều hạt trong đó hoàn toàn vô hình nếu nhìn bằng mắt thường. Chúng bao gồm sợi vải tổng hợp từ việc giặt đồ, các hạt nhỏ phát sinh từ lốp xe hơi hoặc khi vặn mở nắp chai nước và cả các viên nhựa nguyên sinh dùng trong công nghiệp.
Theo các nhà khoa học, mức độ ô nhiễm “đáng báo động” được ghi nhận trung bình là “3 hạt vi nhựa/m3 nước” ở 9 dòng sông được khảo sát. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 40 hạt vi nhựa/m3 từng được đo tại 10 con sông ô nhiễm nhất thế giới, trong đó có Hoàng Hà, Dương Tử (Trường Giang), Nile, Niger, Amur - nơi tập trung phần lớn hoạt động sản xuất nhựa và xử lý rác thải toàn cầu.
Nhưng nếu xét đến lưu lượng nước, ông Jean-François Ghiglione nhấn mạnh: “Ở Valence, sông Rhône có lưu lượng 1.000m3 mỗi giây, tức là có 3.000 hạt vi nhựa chảy qua mỗi giây.” Ở sông Seine, con số này là 900 hạt mỗi giây.
Ông Ghiglione lưu ý nhờ những tiến bộ trong phương pháp phân tích, phát triển trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học còn phát hiện một điều đáng ngạc nhiên là: “khối lượng của các hạt vi nhựa siêu nhỏ - loại không thể nhìn thấy bằng mắt thường - lớn hơn khối lượng của các hạt có thể nhìn thấy.”
Trong khi các hạt nhựa lớn nổi và dễ bị thu gom ở bề mặt, thì các hạt nhỏ li ti lại phân bố khắp cột nước và dễ bị sinh vật thủy sinh nuốt phải.
Một trong những nghiên cứu đã phát hiện một loại vi khuẩn nguy hiểm bám trên vi nhựa trong sông Loire, có khả năng gây bệnh ở người. Một kết quả bất ngờ khác là 25% số vi nhựa tìm thấy trong các con sông không đến từ rác thải, mà từ nhựa nguyên sinh công nghiệp. Những hạt này - còn được gọi là “giọt lệ của nàng tiên cá” - cũng thường được phát hiện trên các bãi biển sau các tai nạn hàng hải.
Kết quả này, có được nhờ một chiến dịch khoa học cộng đồng quy mô lớn, mang tên Plastique à la loupe (Tìm hiểu nhựa), có một không hai trên thế giới, với sự tham gia của 350 lớp học từ các trường trung học cơ sở và phổ thông tại Pháp, tương đương với khoảng 15.000 học sinh mỗi năm tiến hành lấy mẫu ven sông.
Tuy nhiên, theo ông Ghiglione, các nhà khoa học đã từ chối xếp hạng các dòng sông châu Âu theo mức độ ô nhiễm từ cao đến thấp do số liệu quá tương đồng, và dữ liệu vẫn chưa đầy đủ.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng không thể kết luận chắc chắn về tác động của các thành phố lớn vì "không chứng minh được mối liên quan trực tiếp giữa sự hiện diện của vi nhựa và một thành phố lớn, bởi kết quả đo ở thượng lưu và hạ lưu ở một thành phố không khác biệt nhiều.
Hiện liên minh khoa học quốc tế trong khuôn khổ các đàm phán Liên hợp quốc về giảm ô nhiễm nhựa đang kêu gọi cắt giảm mạnh sản xuất nhựa nguyên sinh, vì sản xuất nhựa có liên quan chặt chẽ đến ô nhiễm./.