Các đợt bùng phát bệnh tay chân miệng sẽ trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Nature cho biết các đợt lây nhiễm bệnh tay chân miệng - vốn đã phổ biến ở châu Á, có thể bùng phát sớm hơn, nghiêm trọng hơn và với tần suất cao hơn nếu thế giới không kiểm soát được sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Dự báo, các đợt bùng phát bệnh tay chân miệng lớn có thể tăng tới 40% nếu tình trạng nóng lên toàn cầu không được kiểm soát. Ảnh: NST

Dự báo, các đợt bùng phát bệnh tay chân miệng lớn có thể tăng tới 40% nếu tình trạng nóng lên toàn cầu không được kiểm soát. Ảnh: NST

Theo nghiên cứu, loại virus thường lây nhiễm cho trẻ nhỏ này được phát hiện rất thích kiểu khí hậu mùa hè ấm áp, do đó có thể lan rộng hơn khi hành tinh nóng lên. Dự báo, các đợt bùng phát bệnh tay chân miệng lớn có thể tăng tới 40% nếu tình trạng nóng lên toàn cầu không được kiểm soát.

Những phát hiện này bổ sung vào một nhóm bằng chứng ngày càng nhiều cho thấy biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm và gây ra nhiều vấn đề hơn cho các hệ thống y tế vốn đã quá tải ở các nước đang phát triển.

Là virus rất dễ lây lan giữa người với người nên mỗi năm, thế giới có hàng triệu người mắc bệnh tay chân miệng. Các đợt bùng phát thường xảy ra vào những tháng nóng ấm và thường gây sốt, phát ban và lở miệng ở trẻ em. Nhật Bản đã phải đối mặt với một đợt bùng phát bệnh tay chân miệng đặc biệt nghiêm trọng với hơn 35.000 ca mỗi tuần trong ba tuần đầu tiên của tháng 7 năm ngoái, giới chức y tế nước này cho biết.

Căn bệnh này hiếm khi gây tử vong, nhưng đã có ghi nhận về các đợt bùng phát đáng lo ngại. Năm 2012, hơn 50 trẻ em ở Campuchia đã tử vong vì một biến thể đặc biệt mạnh của loại virus này, trong số 78 trường hợp được phát hiện trong một cuộc điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa thời tiết ấm áp và sự bùng phát sớm của các đợt dịch trong năm. Khi biến đổi khí hậu gây ra nhiều hiện tượng cực đoan theo mùa hơn, cũng có thể sẽ có ít ca bệnh hơn vào mùa đông lạnh hơn, tạo ra ít khả năng miễn dịch cộng đồng hơn và dễ bị tổn thương hơn trước một đợt bùng phát lớn vào mùa hè ấm áp tiếp theo.

Dựa trên các mô hình nghiên cứu rất phức tạp, các nhà khoa học cho rằng “biến đổi khí hậu có thể làm các đợt bùng phát trong tương lai trở nên nghiêm trọng hơn, nhưng những thay đổi về phạm vi nhiệt độ theo mùa có thể còn quan trọng hơn cả những thay đổi về nhiệt độ trung bình đối với các loại bệnh này”. Đáng lưu ý, việc hiểu rõ hơn về các mô hình này có thể giúp xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm về các đợt bùng phát dịch bệnh.

Lâu nay, biến đổi khí hậu đã được biết đến là nguyên nhân làm trầm trọng thêm nhiều dạng bệnh khác. Một nghiên cứu năm 2022 phát hiện ra rằng hơn 50% số bệnh truyền nhiễm đã biết sẽ trở nên trầm trọng hơn do nhiệt độ cao hơn. Ví dụ, một thế giới ấm hơn và ẩm ướt hơn giúp đưa muỗi mang mầm bệnh đến những nơi mới, làm gia tăng sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết và sốt rét…

“Những rủi ro gia tăng đồng thời và nhiều lần của biến đổi khí hậu đang khuếch đại sự bất bình đẳng về sức khỏe toàn cầu và đe dọa đến chính nền tảng sức khỏe của con người”, một nhóm gồm hơn 100 bác sĩ đã cảnh báo trong một bài đánh giá trên tạp chí Nature.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ NCBI)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/cac-dot-bung-phat-benh-tay-chan-mieng-se-tro-nen-tram-trong-hon-do-bien-doi-khi-hau-143733.html