Các dự án giao thông trọng điểm thiếu đất đắp: Bộ Tài nguyên và môi trường phản hồi gì về các kiến nghị của Đồng Nai?
Sau khi nhận văn bản kiến nghị của UBND tỉnh về hướng dẫn xử lý các khó khăn, vướng mắc đối với khai thác vật liệu cung cấp thi công các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Đồng Nai, Bộ Tài nguyên và môi trường đã có văn bản phản hồi.
Các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ không đề cập vấn đề quy hoạch khoáng sản
Theo UBND tỉnh, tổng nhu cầu về đất đắp phục vụ thi công 2 dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh là hơn 5,8 triệu m3.
Thời gian qua, các đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu thi công Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã khảo sát và đề xuất 3 vị trí bổ sung vào hồ sơ khảo sát vật liệu phục vụ thi công đường giao thông.
Tuy nhiên, 3 vị trí đề xuất bổ sung vào hồ sơ khảo sát vật liệu phục vụ thi công đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có nguồn gốc đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Các vị trí này không phải là điểm mỏ, không có trong quy hoạch khoáng sản, không phù hợp quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.
Trong khi đó, đối với việc khai thác mỏ mới, áp dụng theo cơ chế đặc thù (Nghị quyết số 59/2022QH15 ngày 16-6-2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 25-7-2022 của Chính phủ) và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và môi trường, khu vực khai thác theo cơ chế đặc thù phải đáp ứng là điểm mỏ nằm trong quy hoạch khoáng sản mới được đưa vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án và phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đây chính là một trong những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện thời gian qua.
3 vị trí được đề xuất bổ sung vào hồ sơ khảo sát vật liệu phục vụ thi công đường giao thông gồm: khu vực xã Phước Bình, huyện Long Thành có diện tích hơn 16 hécta; khu vực phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa có diện tích 9,3 hécta và khu vực phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa có diện tích 6 hécta
Trong văn bản trả lời UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, về vấn đề mỏ khoáng sản, quy hoạch khoáng sản và hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án, các Nghị quyết: số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (ngày 11-1-2022), số 59/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (ngày 16-6-2022) và số 106/2023/QH15 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ (ngày 28-11-2023) của Quốc hội cho phép nhà thầu thi công trong thời gian nghị quyết có hiệu lực không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.
Các nghị quyết của Quốc hội nêu trên và nghị quyết của Chính phủ triển khai nghị quyết của Quốc hội (Số 90/NQ-CP ngày 25-7-2022; số 16/NQ-CP ngày 27-1-2024 của Chính phủ) không đề cập vấn đề quy hoạch khoáng sản.
Đối với vấn đề thu hồi, thỏa thuận sử dụng đất, Bộ Tài nguyên và môi trường cho hay, căn cứ các quy định tại khoản 1 Điều 52; điểm đ khoản 3 Điều 62; khoản 2 Điều 63 của Luật Đất đai, đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị có liên quan căn cứ phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt tại Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 3-7-2024), quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện, Kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện và các quy hoạch khác có liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.
Nhà thầu phải bàn giao đất cho địa phương quản lý sau khi khai thác
Trong văn bản gửi Bộ Tài nguyên và môi trường, UBND cũng cho biết, trường hợp được chấp thuận bổ sung vào hồ sơ khảo sát vật liệu phục vụ thi công dự án thì diện tích đất sau khai thác phải bàn giao về địa phương quản lý (tức bàn giao về cho UBND tỉnh quản lý trở thành đất công). Trong khi 3 khu vực trên đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân nên người dân không đồng thuận.
Do đó, UBND tỉnh đã kiến nghị cho phép nhà thầu thi công dự án tự thỏa thuận với người dân có đất để thực hiện thu hồi vật liệu san lấp, khối lượng vật liệu chỉ phục vụ thi công dự án trọng điểm quốc gia, nhà thầu có trách nhiệm nộp đủ các khoản thuế, phí với nhà nước theo quy định.
Sau khi khai thác, người dân được tiếp tục sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp; quy hoạch sử dụng đất tại các vị trí vẫn giữ nguyên theo quy hoạch hiện hành và việc bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện khi thực hiện dự án theo quy hoạch.
Đối với kiến nghị này, trong văn bản gửi UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, đã có Công văn số 1411/BTNMT-ĐCKS ngày 18-3-2022 hướng dẫn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án.
Trong đó, tại khoản 5 Công văn số 1411 có nội dung: “Yêu cầu nhà thầu thi công thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác; thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường đã cam kết; bàn giao mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và toàn bộ diện tích đất để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản, đất đai và pháp luật khác có liên quan sau khi đã khai thác đủ khối lượng xác định trong dự án thành phần”.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và môi trường làm rõ thêm rằng, vấn đề bàn giao mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và toàn bộ diện tích đất để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản, đất đai và pháp luật có liên quan sau khi đã khai thác đủ khối lượng xác định trong dự án thành phần áp dụng đối với các mỏ khai thác vật liệu xây dựng thông thường nằm trong quy hoạch khoáng sản, đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để khai thác khoáng sản. Các trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, dân sự và pháp luật liên quan.