Các dự án liên quan đến văn hóa, tâm linh đều do địa phương thẩm định, cấp phép

Từ khi Luật Đầu tư có hiệu lực từ 1/7/2015, chưa có bộ hồ sơ nào trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc lĩnh vực này.

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV vừa qua, có nhiều đại biểu bày tỏ trăn trở về vấn đề các dự án tâm linh thì được cấp cả ngàn hecta đất, trong khi dân thiếu đất ở. Vấn đề này đã được các phóng viên đặt câu hỏi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư về trách nhiệm của cơ quan này trong việc thẩm định và cấp phép cho các dự án liên quan đến tâm linh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Luật Đầu tư đã có quy định về các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của các cấp ở các Điều 30, 31, 32 đối với cấp bộ, cấp Thủ tướng Chính phủ và UBND cấp tỉnh.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ chỉ tổ chức thẩm định đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, các dự án có số lượng di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, 20.000 người trở lên ở các khu vực khác.

Thứ hai, là các dự án này có tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng trở lên nhưng chưa phù hợp với quy hoạch, còn nếu phù hợp quy hoạch thì chuyển về UBND cấp tỉnh theo quy định của Nghị định 118.

Ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Ảnh: Đức Thanh)

Ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Ảnh: Đức Thanh)

Theo ông Tráng, từ khi Luật Đầu tư có hiệu lực từ 1/7/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa nhận được bộ hồ sơ nào trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc lĩnh vực này, mà các dự án này thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.

Ông Tráng lý giải, UBND cấp tỉnh chỉ thẩm định 6 nội dung: Một là thông tin về dự án, nhà đầu tư, quy mô, địa điểm, tiến độ thực hiện. Hai là đáp ứng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài nếu nhà đầu tư đăng ký là nhà đầu tư nước ngoài. Ba là đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư đối với quy hoạch liên quan. Bốn là đánh giá về ưu đãi đầu tư và điều kiện hưởng ưu đãi nếu có. Năm là đánh giá căn cứ pháp lý về quyền sử dụng địa điểm đầu tư, nếu nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng địa điểm, điều kiện giao đất, thuê đất… Sáu là đánh giá về công nghệ sử dụng.

Ông Tráng khẳng định lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa nhận được hồ sơ dự án nào mà các dự án này đều do địa phương thẩm định.

Thanh Huyền

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cac-du-an-lien-quan-den-van-hoa-tam-linh-deu-do-dia-phuong-tham-dinh-cap-phep-d102838.html