Các dự án trọng điểm đang nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

Bộ Tài chính vừa có báo cáo chi tiết về công tác giải ngân vốn đầu tư tại các dự án trọng điểm của cả nước. Hiện có 2 dự án đang có tiến độ giải ngân đạt tỷ lệ khá.

Cụ thể với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, theo Quyết định số 1487/QĐ-TTg ngày 6/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ, dự án có tổng mức đầu tư là 22.856 tỷ đồng, tổng lũy kế vốn đã bố trí đến năm 2021 là 22.855,035 tỷ đồng (cụ thể: năm 2018 là 4.500 tỷ đồng, năm 2019 là 6.990 tỷ đồng, năm 2020 là 6.705,035 tỷ đồng, năm 2021 là 4.660 tỷ đồng).

Các dự án trọng điểm quốc gia đang nỗ lực giải ngân nguồn vốn. Ảnh minh họa

Các dự án trọng điểm quốc gia đang nỗ lực giải ngân nguồn vốn. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước đến 30/9/2022, dự án đã giải ngân được 16.644,995 tỷ đồng, đạt 72,83% kế hoạch đã giao.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được chia thành 2 dự án cho 2 giai đoạn (dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025).

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, ước đến hết tháng 9, tỷ lệ giải ngân trên cả nước mới đạt 42,16% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 46,70%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (47,38%).

Bộ Tài chính cho biết, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đến hết ngày 31/8/2022, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã được các địa phương - nơi có dự án cơ bản hoàn thành. Hiện nay, nhà thầu đang tích cực di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2022.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tính đến ngày 7/9/2022, dự án đã giải ngân được 39.712,4 tỷ đồng, đạt 79,5% tổng kế hoạch được giao; trong đó, nguồn vốn thuộc kế hoạch năm 2022 giải ngân 7.909,5 tỷ đồng, đạt 45,3% kế hoạch năm 2022 được giao.

Với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt đầu tư 12 dự án thành phần vào ngày 13/7/2022, trong đó giao cho các ban quản lý dự án thuộc bộ làm chủ đầu tư và bàn giao toàn bộ các mốc GPMB cho địa phương vào ngày 30/6/2022. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các ban quản lý dự án xây dựng tiến độ triển khai chi tiết để bảo đảm khởi công các gói thầu đầu tiên vào cuối năm 2022 theo đúng yêu cầu của Chính phủ.

Hiện các đơn vị tư vấn đã hoàn thành công tác khảo sát địa hình, thủy văn; thực hiện khảo sát địa chất đạt trên 80% và sẽ hoàn thành toàn bộ các khâu này trong tháng 9/2022. Công tác lập hồ sơ thiết kế, dự toán, thẩm tra, thẩm định đang được tiến hành song song đáp ứng tiến độ yêu cầu và trình duyệt đợt 1 (các đoạn thuận lợi) trong tháng 9/2022 để tổ chức thẩm định. Công tác GPMB, lập phương án đền bù... đang được các địa phương- nơi có dự án tích cực thực hiện.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến 30/9/2022, dự án giải ngân được 203,717 tỷ đồng, đạt 2,4% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022.

Công chức Kho bạc Nhà nước đang thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư trên dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc. Ảnh: H.T

Công chức Kho bạc Nhà nước đang thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư trên dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc. Ảnh: H.T

Báo cáo từ Bộ Tài chính cũng cho biết, 3 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc: Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; Biên Hòa – Vũng Tàu; Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại các Nghị quyết số 58, 59, 60/2022/QH15 ngày 16/6/2022, trong đó 3 dự án được chia thành 10 dự án thành phần và Chính phủ xem xét phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án thành phần đi qua địa bàn. Ngày 25/7/2022, Chính phủ đã có các Nghị quyết số 89/NQ-CP, số 90/NQ-CP và số 91/NQ-CP để triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội nêu trên.

Tại Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản của 2/10 dự án thành phần; 8/10 dự án thành phần còn lại phân cấp cho các địa phương nơi có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư.

Cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện vẫn còn 31/51 bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%, trong đó có 14 bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

3 dự án trên có sử dụng nhiều nguồn vốn (nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; nguồn từ rà soát, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông Vận tải; nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021; nguồn ngân sách địa phương) và được áp dụng cơ chế đặc thù về phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội. Trong đó 23.416 tỷ đồng nguồn vốn cân đối bố trí cho các dự án từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội (9.620 tỷ đồng) và từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 (13.796 tỷ đồng) phải thực hiện và giải ngân hết trong 2 năm 2022 và 2023.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các địa phương về phương án phân bổ vốn để tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

An Nhi

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cac-du-an-trong-diem-dang-no-luc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-113570.html