Các dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải: Khẩn trương lập đường găng tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2025

Ngày 8-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp phiên thứ 13 của Ban Chỉ đạo. Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Phó trưởng Ban Chỉ đạo; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các thành viên Ban Chỉ đạo… Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải trên địa bàn. Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì dự phiên họp tại điểm cầu Khánh Hòa.

Ông Đinh Văn Thiệu chủ trì điểm cầu tại Khánh Hòa.

Ông Đinh Văn Thiệu chủ trì điểm cầu tại Khánh Hòa.

Hiện nay, danh mục các dự án mà Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo gồm 40 dự án lớn/92 dự án thành phần trên 3 lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt và hàng không, đi qua địa phận 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau 12 phiên họp, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đã ban hành 12 kết luận; trên 400 công điện đôn đốc và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, các dự án đường bộ cao tốc đang được triển khai thi công trên cả nước có tổng chiều dài khoảng 1.700 km, trong đó có các dự án cao tốc thuộc trục Bắc-Nam, các dự án kết nối theo trục Đông -Tây, kết nối khu vực Tây Bắc, khu vực Tây Nguyên. Sau phiên họp thứ 12, các bộ, ngành và các địa phương đã nỗ lực cố gắng trong triển khai các nhiệm vụ trong đó tập trung vào công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án. Trong đó, Hà Nội đã hoàn thành công tác nghiệm thu đoạn trên cao Nhổn - Ga Hà Nội để đưa vào khai thác từ ngày 8-8. TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài theo phương thức PPP; phê duyệt điều chỉnh dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên. Bộ Giao thông vận tải đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành; đã báo cáo Chính phủ về đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đã phê duyệt dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; đã hoàn thành đưa vào khai thác đoạn còn lại của dự án cao tốc thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, dự án Đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang có chiều dài hơn 83km với tổng đầu tư hơn 11.808 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (chỉ còn vướng một số vị trí cục bộ). Hiện nay, UBND thị xã Ninh Hòa đang triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng trạm dừng nghỉ; đồng thời cơ bản hoàn thành 6 khu tái định cư. Đối với dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đến nay đã bàn giao mặt bằng liền mạch đạt hơn 98%; một số vị trí đã bàn giao mặt bằng nhưng chưa thể thi công vì còn vướng các hộ dân có nhà ở trên đất, đang xét tái định cư. Trong năm 2024, chủ đầu tư đã giải ngân được 331,4 tỷ đồng/1.600 tỷ đồng kế hoạch giao, đạt 20,7%. Hiện nay, đơn vị thi công đang san ủi mặt bằng, nền đường, cống thoát nước. Dự án có chiều dài 32km (đoạn tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư) tổng mức đầu tư 5.632 tỷ đồng.

Dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, sự nỗ lực, tinh thần làm việc của các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án, các doanh nghiệp, nhà thầu thi công. Bên cạnh những mặt đạt được thì vẫn còn một số công việc vẫn chưa hoàn thành đúng hạn hoặc triển khai chưa đạt yêu cầu. Công tác giải phóng mặt bằng tại một số địa phương còn chậm. Cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống định mức và hướng dẫn xác định giá vật liệu tại mỏ khai thác theo cơ chế đặc thù… Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết “đường găng tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2025” phù hợp điều kiện giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, điều kiện thời tiết, để làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm soát chặt tiến độ thi công các dự án. Đối với các dự án đang chậm tiến độ, cần có sự chủ động, quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của các cơ quan chủ quản, các chủ đầu tư, các nhà thầu mới có thể hoàn thành đúng tiến độ.

VĂN KỲ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202408/cac-du-an-trong-diem-nganh-giao-thong-van-tai-khan-truong-lap-duong-gang-tien-do-hoan-thanh-cac-du-an-trong-nam-2025-a827585/