Các FTA được khai thác tốt để thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tình hình thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong 2 năm gần đây đạt kết quả tích cực.

Việc tận dụng các FTA trong thúc đẩy xuất khẩu đã góp phần vào bức tranh xuất khẩu 2021 tăng 19%, đạt 336,25 tỷ USD.

Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 12/1, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, tình hình thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong 2 năm gần đây đạt kết quả tích cực.

Cụ thể, với EU, ngay từ năm đầu tiên thực thi EVFTA đã thu những kết quả tích cực. Đặc biệt, năm 2020, thị trường EU đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng trong 5 tháng đầu tiên thực hiện EVFTA (tháng 8-12/2020) có mức tăng trưởng dương, thay vì tăng trưởng âm trước đó, đạt 3,8%. 7 tháng tiếp theo đạt mức tăng trưởng 17,8%. Đó là hiệu quả bước đầu mà EVFTA mang lại.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2021 đạt mức tăng trưởng cao, trị giá 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 4-5%).
Các doanh nghiệp đã bước đầu tận dụng hiệu quả các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường.
Trong năm 2021 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 1 mặt hàng so với năm 2020 (có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với năm 2020).

Trong cả năm 2021, xuất khẩu sang EU đạt khoảng 40,07 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU như thủy sản, tôm, gạo…

Tính từ 1/1 đến 26/12/ 2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp 201,846 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 7,8 tỷ USD đi 27 nước EU.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 5,217 lô hàng với trị giá hơn 16,5 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Với UKVFTA, Chính phủ, bộ, ngành đã nỗ lực triển khai đàm phán UKVFTA ngay sau khi Anh chính thức ra khỏi EU, để các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này không bị gián đoạn. Kết quả, ngay từ 1/1/2021, các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sang Anh đã được hưởng ưu đãi theo hiệp định UKVFTA. Trong năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đã có mức tăng trưởng cao, với mức 15,4%.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, cho thấy hiệu quả cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu (xuất khẩu sang Canađa đạt 5,2 tỷ USD, tăng 19,5%; xuất khẩu sang Mexico đạt 4,6 tỷ USD, tăng 46,1%)...

“Những kết quả này chứng tỏ, các FTA thế hệ mới bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định”, bà Nguyễn Cẩm Trang đánh giá.

Bên cạnh các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 cũng được kỳ vọng tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

RCEP là FTA lớn nhất thế giới, quy mô 2,3 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, GDP 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.

“Với việc thành lập RCEP, đã kết nối 4 FTA của ASEAN thành hiệp định chung. Lợi ích lớn nhất của RCEP mang lại là đưa bộ quy tắc xuất xứ duy nhất cho toàn bộ ASEAN và 4 nước đối tác khác. Như vậy, doanh nghiệp sử dụng 1 bộ quy tắc xuất xứ của RCEP thay vì sử dụng quy tắc xuất xứ của các hiệp định khác nhau. Điều này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không phải hiểu nhiều các quy định khác nhau trong xuất xứ của các hiệp định”, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho hay.

Để giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA, theo bà Nguyễn Cẩm Trang, thời gian qua, Bộ Công thương đã quan tâm đến phổ biến tuyên truyền về cơ hội, những quy định, quy tắc xuất đáp ứng để hưởng ưu đãi; dung lượng, thị hiếu, quy định cụ thể mặt hàng nhập khẩu… thông qua các hội nghị, tập huấn chuyên sâu. Bộ có cổng thông tin về FTA (FTAP), đây là công cụ hữu ích khi doanh nghiệp xuất khẩu bất kỳ mặt hàng nào có thể tra cứu ngay ưu đãi thuế, quy định xuất xứ.

“Chính phủ, bộ, ngành đã nỗ lực ký kết các FTA, mở ra cơ hội về mặt thuế quan cho doanh nghiệp khi xuất khẩu, điều kiện cần là sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tự đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu, từ đó tận dụng ưu đãi từ các FTA”, bà Trang nhấn mạnh.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cac-fta-duoc-khai-thac-tot-de-thuc-day-xuat-khau-mo-rong-thi-truong-d159260.html