Các giải pháp đạt giải hội thi sáng tạo KH&KT lần 13 được ứng dụng rộng rãi
Sáng 27.11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tổ chức hội nghị phổ biến ứng dụng các giải pháp đạt giải Hội thi Sáng tạo KH&KT tỉnh lần thứ 13 năm 2022-2023.
Các đại biểu về dự hội nghị.
Hội thi Sáng tạo KH&KT tỉnh lần thứ 13 nhận được 109 giải pháp dự thi ở 6 lĩnh vực gồm: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông (10 giải pháp), Cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải (28 giải pháp); Vật liệu, hóa chất, năng lượng (6 giải pháp); Nông lâm thủy sản, tài nguyên và môi trường (47 giải pháp); Y dược (2 giải pháp); Giáo dục và Đào tạo (13 giải pháp); Tổ chức Quản lý (3 giải pháp). Ban Tổ chức Hội thi đã thành lập các Hội đồng Giám khảo, qua đó xét chọn 23 mô hình, giải pháp đạt giải.
Các giải pháp dự thi đã và đang được áp dụng vào sản xuất và đời sống. Trong tổng số 23 giải pháp đạt giải Hội thi Sáng tạo KH&KT tỉnh Tây Ninh lần thứ 13 năm 2022-2023 tỷ lệ ứng dụng đạt 100% và tỷ lệ giải pháp ứng dụng rộng rãi (có sản phẩm bán ra thị trường, có nhân rộng mô hình, có chuyển giao công nghệ…) đạt khoảng 60%. Đặc biệt, sản phẩm của nhiều mô hình/giải pháp đạt giải đã được các địa phương chọn làm “Sản phẩm OCOP”.
Ông Ngô Trần Ngọc Quốc- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh chia sẻ hiệu quả ứng dụng mô hình Nuôi thử nghiệm ốc núi Bà Đen sinh sản trong môi trường cận tự nhiên.
Có thể kể đến một số giải pháp được ứng dụng như: Hội Nông dân xã Tiên Thuận (huyện Bến Cầu) đã nhân rộng mô hình “Nuôi dế khép kín không ô nhiễm môi trường” của tác giả Nguyễn Thị Thùy Dương. Xã Thạnh Bình (huyện Tân Biên) nhân rộng mô hình nuôi cá chạch lấu của nông dân Nguyễn Văn Giàu và các cộng sự.
Xã Đôn Thuận (thị xã Trảng Bàng) thành lập Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản, trong đó nhân rộng mô hình “Nuôi Cà cuống theo hệ thống tuần hoàn” của anh Nguyễn Hữu Đức. Nông dân xã Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh) ứng dụng rộng rãi kỹ thuật thụ phấn cho cây mãng cầu- một mô hình của anh Đặng Hồng Thanh và các cộng sự…
Theo bà Dương Thị Thu Hiền- Trưởng Ban Tổ chức Hội thi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, để Hội thi Sáng tạo KH&KT trong thời gian tới tiếp tục phát huy hiệu quả, thu hút nhiều người tham gia, cần có sự quan tâm và khuyến khích của các địa phương và các sở, ngành, đơn vị thông qua các dự án sản xuất thử nghiệm để hỗ trợ tác giả có giải pháp đạt giải mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu hoàn thiện các sáng tạo để từ ý tưởng sáng tạo thành một sản phẩm hoàn chỉnh giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng.
Cùng với đó, địa phương cần có chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ đối với các tác giả muốn mở rộng sản xuất, nhân rộng mô hình/giải pháp đạt giải; hỗ trợ đăng ký sản phẩm từ mô hình/giải pháp đạt giải thành sản phẩm OCOP của địa phương như hỗ trợ một phần kinh phí làm thủ tục đăng ký, xét chọn sản phẩm OCOP; hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay mở rộng sản xuất từ Ngân hàng chính sách xã hội, từ nguồn vốn vay của các đoàn thể…