Các giải pháp trọng tâm về chống khai thác IUU

Theo thông tin từ Cục Kiểm ngư, Bộ NN&PTNT, Ủy ban châu Âu (EC) thống nhất với Việt Nam sẽ thực hiện đợt kiểm tra lần thứ 5 vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10/2024 về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ NN&PTNT cho biết, một trong những lý do EC lùi thời hạn kiểm tra gỡ "thẻ vàng" IUU là vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Thủy sản và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Theo đó, EC muốn xem xét việc triển khai thực thi pháp luật của Việt Nam đối với 2 nghị định này sẽ đạt hiệu quả ra sao. Cũng theo lãnh đạo Cục Kiểm ngư, từ nay cho đến khi Đoàn thanh tra EC sang Việt Nam, Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì một cuộc họp, đi kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại các địa phương vào tháng 6.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT có triển khai kế hoạch cụ thể hàng tháng về việc kiểm tra thực tế tại tất cả các tỉnh, thành phố ven biển về công tác chống khai thác IUU. "Để phía EC gỡ 'thẻ vàng' IUU cho Việt Nam trong lần kiểm tra tới đây, các địa phương phải ngăn chặn tối đa tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiên quyết xử lý triệt để những tàu cá vi phạm", ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Quang Hùng, nhấn mạnh các địa phương và cơ quan chức năng cần thực hiện tốt 3 giải pháp trọng tâm thời gian tới để có thể chống khai thác IUU.

Thứ nhất, bằng mọi giải pháp ngăn chặn, giảm tối đa tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm, không có vùng cấm.

Thứ hai, quản lý chặt chẽ hơn nữa đội tàu, đảm bảo 100% các tàu cá đi khai thác trên biển đảm bảo đủ điều kiện như lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), có nhật ký khai thác, phải bật kết nối ngay cả khi nằm bờ...

Thứ ba, xử lý nghiêm những trường hợp mà EC từng phát hiện việc trộn lẫn nguyên liệu thủy sản, hay hợp pháp hóa hồ sơ trái phép. Đặc biệt, các lực lượng tăng cường kiểm soát, xác nhận nguồn gốc thủy sản tại cảng. "Những nội dung này cần được tập trung giải quyết dứt điểm và đạt kết quả từ nay đến tháng 9. Như vậy Việt Nam mới có cơ hội gỡ thẻ vàng IUU", ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Hùng cũng cho biết, từ nay đến trước khi Đoàn Thanh tra EC sang Việt Nam lần thứ 5, Bộ NN&PTNT tổ chức đợt cao điểm chống khai thác IUU. Hiện Cục Kiểm ngư đã lập Tờ trình gửi Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, xin ý kiến về việc tổ chức các đoàn công tác đến toàn bộ 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Kiểm ngư lên kế hoạch cụ thể cho từng tháng, từ nay đến tháng 9. Trong số đó có kiểm tra thực tế tại các địa phương, hướng dẫn tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản; Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và một số khuyến nghị trọng tâm của EC đợt vừa qua.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/cac-giai-phap-trong-tam-ve-chong-khai-thac-iuu-102240522155032426.htm