Các hãng ô tô Trung Quốc gấp rút xây dựng chuỗi cung ứng chip bán dẫn riêng
Đối mặt với hạn chế thương mại của Mỹ, Trung Quốc đang tìm cách nâng cao khả năng 'tự cung tự cấp' chip bán dẫn phục vụ cho ngành ô tô trong nước.
Nhiều nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Trung Quốc đã chuyển sang mua chip bán dẫn từ các nguồn trong nước khi Bắc Kinh nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng "miễn nhiễm" với các hạn chế thương mại của Mỹ.
Trong số các nhà sản xuất đang chuyển dịch có Great Wall Motor, công ty cho biết họ đã bắt đầu sản xuất chip bán dẫn trong một động thái “đột phá của rào cản công nghệ”, đánh dấu “một bước tiến mới”.
Động thái này phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của các thiết bị bán dẫn trong ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc, đang chuyển đổi nhanh chóng sang ô tô điện và ô tô tự lái.
“Với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, chất bán dẫn trong ngành ô tô đã trở thành tâm điểm của cạnh tranh toàn cầu”, Fu Bingfeng, Phó Chủ tịch điều hành Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), cho biết trong hội nghị ngành bán dẫn hôm 6/12 tại thành phố Vô Tích. "Chúng tôi có thể tạo ra một ngành công nghiệp bán dẫn ô tô mới".
Cùng ngày, CAAM giới thiệu một ủy ban mới chuyên về chip bán dẫn ô tô, nêu rõ mục tiêu nâng cao khả năng tự cung cấp linh kiện của Trung Quốc.
Bán dẫn công suất, điều khiển dòng điện, có tác động trực tiếp đến phạm vi lái xe của xe điện. Hãng xe điện Trung Quốc BYD đã tự sản xuất chip bán dẫn công suất. Great Wall bắt đầu sản xuất chúng vào mùa Thu năm nay tại một nhà máy mới ở Vô Tích do công ty thuộc tập đoàn Công nghệ bán dẫn Vô Tích Xindong điều hành. Truyền thông địa phương đưa tin các bộ phận này được sử dụng trong xe thể thao đa dụng của Haval.
Một công ty con của Great Wall Motor đã bắt đầu sản xuất chip bán dẫn công suất tại một nhà máy ở Vô Tích (Ảnh: Nikkei)
Ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc cũng đã đạt được bước đột phá về chip xử lý dữ liệu, vốn được coi là khó sản xuất hơn do trình độ kỹ thuật vi mô cao hơn.
Tập đoàn Zhejiang Geely Holding Group, công ty mẹ của Volvo Cars, đã cho ra mắt mẫu SUV 08 vào tháng 9 dưới thương hiệu Lynk & Co. Xe được lắp đặt Longying One, một con chip được chế tạo bằng công nghệ 7 nanomet xử lý hình ảnh để hỗ trợ người lái.
Nhà phát triển Longying One, SiEngine Technology, được thành lập vào năm 2018 với tư cách là liên doanh giữa tập đoàn Geely và nhà thiết kế chip Arm China. Geely có kế hoạch lắp đặt con chip này cho các mẫu xe khác của họ.
Công ty khởi nghiệp EV Nio có trụ sở tại Thượng Hải đã thành lập các nhóm phát triển chất bán dẫn ở Trung Quốc và Mỹ. Công ty gần đây đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip dùng để điều khiển lidar – cảm biến phát hiện và đo phạm vi ánh sáng – hỗ trợ hệ thống phanh tự động.
Hỗ trợ từ chính phủ
Chính phủ Trung Quốc đã tìm cách thúc đẩy những bước tiến như vậy trong ngành công nghiệp ô tô.
Sáng kiến “Made in China 2025”, được công bố vào năm 2015, đã hỗ trợ các ngành công nghiệp bán dẫn và phương tiện sử dụng năng lượng mới thông qua các ưu đãi và hỗ trợ thuế. Như một minh chứng cho sự thành công của những nỗ lực đó, 6,88 triệu phương tiện sử dụng năng lượng mới - xe điện, xe hybrid và pin nhiên liệu - đã được bán ở Trung Quốc vào năm ngoái, lượng tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới.
Những hạn chế về lái xe tự động cũng đang được nới lỏng. Bắc Kinh, Quảng Châu và các thành phố khác đã cho phép vận hành taxi robot. Tuy nhiên, chất bán dẫn ô tô lại đang gây trở ngại cho vị trí dẫn đầu thế giới của Trung Quốc về xe điện và xe tự lái.
CEO Nio William Li giới thiệu chip bán dẫn do họ tự sản xuất (Ảnh: Nikkei)
Trong khi một chiếc xe chạy xăng sử dụng chưa đến 500 chip bán dẫn thì một chiếc xe điện cần khoảng 1.300 chip bán dẫn, theo một công ty ô tô lớn của Trung Quốc. Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu ô tô Gasgoo của Trung Quốc cho thấy một chiếc xe tự hành cấp độ 4 tiên tiến sẽ cần hơn 3.000 chip bán dẫn.
Nhưng Trung Quốc chỉ sản xuất khoảng 15% chip bán dẫn công suất và chưa đến 5% loại chip cần thiết cho xe tự lái, Gasgoo đưa tin.
Đối mặt với hạn chế về nguồn cung từ Mỹ, Trung Quốc đang nỗ lực quốc hữu hóa sản xuất thiết bị hệ thống trên vi mạch (SoC) tiên tiến. Sự cấp bách của chính quyền Bắc Kinh đã được thể hiện vào tháng 11/2022 khi Miao Wei, cựu Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, mời lãnh đạo các công ty ô tô lớn đến một cuộc họp tại Thượng Hải. Ông kêu gọi các công ty chuyển toàn bộ quá trình mua bán chất bán dẫn ô tô sang nguồn cung trong nước.
Xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn, từ phát triển đến sản xuất hàng loạt, đòi hỏi nhiều năm đầu tư và phối hợp. Sản xuất ô tô yêu cầu nhiều loại chip bán dẫn, bao gồm bộ vi điều khiển và SoC.
Nhiều nhà sản xuất ô tô lớn hiện đang tập trung vào chip bán dẫn công suất vốn không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế xuất khẩu của Mỹ.
Các công ty như Geely có tham gia vào SoC nhưng chỉ ở giai đoạn thiết kế và dựa vào các nhà sản xuất chip theo hợp đồng để sản xuất.
Một giám đốc điều hành tại SMIC, công ty đã cung cấp chip 7nm cho mẫu smartphone mới nhất của Huawei, cho biết họ có kế hoạch phát triển chip bán dẫn cho ô tô trong kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất./.