Các hãng thẻ tín dụng yêu cầu giới manga Nhật ngừng đăng nội dung 18+

Các công ty thẻ tín dụng quốc tế đang yêu cầu nhiều đơn vị phân phối manga Nhật Bản hạn chế nội dung người lớn, theo Nikkei.

Ngành công nghiệp truyện tranh Nhật Bản đang chịu áp lực ngày càng tăng từ các thương hiệu thẻ tín dụng toàn cầu về việc phải ngừng bán tác phẩm có nội dung người lớn.

Đòn giáng mạnh vào doanh thu

Đầu năm nay, một nhà bán lẻ truyện tranh Nhật Bản đã bị nhà cung cấp dịch vụ thanh toán thông báo rằng nền tảng của họ đang "vi phạm các quy tắc" của một thương hiệu thẻ tín dụng Mỹ.

Theo chia sẻ của CEO nền tảng truyện tranh này, họ bị cảnh báo nếu tình trạng không thay đổi và vẫn tiếp tục sử dụng thẻ thanh toán quốc tế làm phương tiện thanh toán, họ có thể đối mặt với hình phạt lên tới hàng trăm nghìn USD một ngày. Trong khi bên cung cấp dịch vụ thanh toán không nêu cụ thể về “hành vi vi phạm”, vị CEO nghi ngờ rằng vấn đề có thể nằm ở các tác phẩm có nội dung người lớn họ đang phân phối.

Chỉ được cho một tháng để điều chỉnh và phản hồi, nền tảng phân phối manga này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngừng nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng ở nước ngoài, mặc dù đó là cách họ nhận phần lớn các khoản thanh toán trực tuyến.

 Các hãng thẻ tín dụng quốc tế không chấp nhận thanh toán cho nội dung người lớn từ các nền tảng Nhật Bản. Ảnh: Otaku USA.

Các hãng thẻ tín dụng quốc tế không chấp nhận thanh toán cho nội dung người lớn từ các nền tảng Nhật Bản. Ảnh: Otaku USA.

Theo Nikkei, vấn đề có thể là do tại Nhật Bản, các nội dung người lớn trong manga là hợp pháp, trong khi ở nước ngoài thì không.

Vị CEO trên, đề nghị giấu tên, cho hay: "Chúng tôi sẽ phải giảm sự phụ thuộc vào các tác phẩm có nội dung người lớn. Nếu chúng tôi muốn mở rộng thị trường, tốt hơn hết là chúng tôi nên tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu".

Manga Library Z, một trang web Nhật Bản chuyên cung cấp các bộ truyện tranh đã ngừng xuất bản, cũng bị các thương hiệu thẻ tín dụng phương Tây, thông qua cầu nối là bên cung cấp dịch vụ thanh toán, đề nghị ngừng đăng tải một số đầu truyện có nội dung người lớn.

Ken Akamatsu, đồng sáng lập nền tảng và cũng là một họa sĩ truyện tranh, cho biết họ chỉ có thời gian vài ngày để gỡ các nội dung liên quan trước thời hạn hình phạt được áp dụng.

Theo đuổi tiêu chuẩn toàn cầu hay bản sắc sáng tạo?

Ông Akamatsu, cũng là một nhà lập pháp tại Thượng viện Nhật Bản, không đồng tình với hành động của các công ty phát hành thẻ tín dụng quốc tế. Theo ông, ngành công nghiệp sáng tạo phong phú của Nhật Bản, bao gồm truyện tranh, phim hoạt hình và trò chơi, ra đời dựa trên sự tự do biểu đạt của người dân. Ông cũng chỉ trích việc "ngày càng có nhiều trang web, bao gồm một nền tảng phim lớn và một nền tảng chia sẻ nghệ thuật minh họa, đang không thể sử dụng các thương hiệu thẻ tín dụng toàn cầu".

Nhiều trang web của Nhật Bản, bao gồm cả dịch vụ chia sẻ video Niconico nổi tiếng của tập đoàn truyền thông Kadokawa, cũng đã ngừng chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng từ Mỹ đối với một số dịch vụ mà không nêu rõ lý do.

 Quyết định của các hãng thẻ quốc tế có thể ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của ngành công nghiệp sáng tạo Nhật Bản. Ảnh: Nikkei.

Quyết định của các hãng thẻ quốc tế có thể ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của ngành công nghiệp sáng tạo Nhật Bản. Ảnh: Nikkei.

Ông Akamatsu cảnh báo rằng những hạn chế như vậy có thể vượt ra ngoài vấn đề nội dung người lớn. "Yêu cầu tiếp theo từ các thương hiệu thẻ có thể là cấm hoàn toàn tiểu thuyết hoặc cảnh bạo lực. Một số người cho rằng Nhật Bản nên tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu. Nhưng nếu nội dung của Nhật Bản trở nên quá toàn cầu hóa và mất đi sức hấp dẫn độc đáo của mình, các tác phẩm đó cũng sẽ mất đi sức hấp dẫn và không còn nhu cầu từ nước ngoài".

Tokyo gần đây cam kết tăng gấp 4 lần kim ngạch xuất khẩu đối với ngành công nghiệp sáng tạo nội dung, bao gồm trò chơi, phim hoạt hình, truyện tranh, phim ảnh và âm nhạc. Nước này phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu 20 nghìn tỷ yen (135 tỷ USD) vào năm 2033.

Trong bối cảnh này, xung đột lợi ích giữa các công ty thẻ quốc tế và nhà xuất bản nội dung Nhật Bản là một vấn đề khó giải quyết. Bà Yoko Shida, Giáo sư luật tại Đại học Nghệ thuật Musashino, cho biết các công ty tư nhân có mọi quyền trong việc sàng lọc nội dung mà họ cảm thấy không phù hợp để bảo vệ danh tiếng của mình. Tuy nhiên, nếu điều này diễn ra quá mức, "các nhà văn, nghệ sĩ biểu diễn và nhà sáng tạo sẽ thấy ngày càng khó khăn khi thể hiện khả năng của mình với xã hội".

Bà Shida đã nêu ví dụ về Triển lãm nghệ thuật Aichi Triennale năm 2019 được tổ chức tại Nhật Bản. Do có một chương trình đề cập đến vấn đề còn gây tranh cãi, làn sóng khiếu nại và đe đọa đã buộc triển lãm phải tạm thời đóng cửa.

"Nếu một thể loại biểu đạt nào đó bị gỡ xuống chỉ vì có khả năng gây tổn hại đến danh tiếng của các thương hiệu thẻ tín dụng, trường hợp đó có thể là sự đe dọa đáng kể tới tự do biểu đạt", bà Shida cho biết.

Thay vào đó, chuyên gia này đề xuất một cách tiếp cận tinh tế hơn như các nền tảng xuất bản "phân vùng" tác phẩm, đặt nội dung dành cho người lớn riêng biệt để các thương hiệu thẻ tín dụng có thể tiến hành hạn chế riêng đối với nội dung này thay vì toàn bộ nền tảng xuất bản.

"Quyết định của các công ty thẻ tín dụng có thể có tác động đáng kể đến xã hội", bà nói thêm.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/cac-hang-the-tin-dung-yeu-cau-gioi-manga-nhat-ngung-dang-noi-dung-18-post1494575.html