Các hãng vận tải biển lên kế hoạch đưa tàu container trở lại Biển Đỏ
Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng, một sáng kiến an ninh do Mỹ dẫn đầu nhằm thiết lập hành lang vận chuyển an toàn ở Biển Đỏ, nơi phiến quân Houthi tổ chức một loạt vụ tấn công nhằm vào tàu thương mại trong thời gian gần đây, bắt đầu khuyến khích một số hãng vận tải biển quay lại vùng biển này.
Các công ty vận tải biển hàng đầu thế giới, bao gồm Maersk, CMA CGM, Hapag-Lloyd đã ngừng sử dụng tuyến hàng hải đi qua Biển Đỏ sau khi nhóm phiến quân Houthi ở Yemen tấn công các tàu đi qua đây vào đầu tháng này. Lực lượng Houthis tuyên bố, họ nhắm đến các tàu có liên hệ với Israel để thể hiện sự ủng hộ với người dân Palestin sau khi cuộc chiến Israel-Hamas bùng nổ.
Bắt đầu từ giữa tuần trước, các hãng vận tải biển định tuyến lại hàng trăm tàu container để đi vòng qua miền nam châu Phi, một hành trình dài hơn và tốn kém hơn vì kênh đào Suez ở Ai Cập, nằm ngay phía trên Biển Đỏ, là tuyến hàng hải nhanh nhất giữa châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, sau khi Mỹ triển khai Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng và đưa các tàu hải quân đến Biển Đỏ để đánh chặn máy bay không người lái và tên lửa c của phiến quân Houthi, một số hãng vận tải biển cảm thấy an tâm hơn.
Hôm 24-12, Maersk cho biết đang chuẩn bị quay trở lại Biển Đỏ cho cả hành trình đi về hướng đông và hướng tây sau khi nhận được sự xác nhận rằng Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng đã được triển khai. Đến hôm 27-12, hãng cho biết đã lên lịch trình cho hàng chục tàu container đi qua Kênh đào Suez và Biển Đỏ trong vài tuần tới. Trong số các tàu được Maersk lên lịch trình cho những tuần tới, có tàu container Maren Maersk, khởi hành từ Tangiers (Morocco) vào ngày 24-12 và sẽ “tiếp tục đi qua Kênh đào Suez” , rồi đến Singapore dự kiến vào ngày 14-1-2024.
Maersk lưu ý, lịch trình vẫn có thể thay đổi dựa trên các kế hoạch dự phòng cụ thể có thể được hình thành trong những ngày tới. Tuy nhiên, nhiều tàu của Maersk vẫn bám theo kế hoạch thực hiện hành trình vòng quanh châu Phi. Kể từ 19-12, Maersk đã định tuyến lại hàng loạt tàu để đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, rìa phía nam của Nam Phi. Hãng tính thêm phụ phí thêm đối với khách hàng và tăng thêm thời gian vận chuyển hàng hóa từ châu Á đến châu Âu và đến Bờ Đông của Mỹ.
Tương tự, hôm 26-12, CMA CGM của Pháp cho biết đang tăng dần số lượng tàu đi qua kênh đào Suez (nằm ở phía bắc của Biển Đỏ) sau khi liên minh hải quân đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu được triển khai đến đây.
“Chúng tôi đang lên kế hoạch tăng dần số lượng tàu đi qua Kênh đào Suez. Chúng tôi đang theo dõi tình hình liên tục và sẵn sàng đánh giá lại và điều chỉnh kịp thời các kế hoạch khi cần thiết”, CMA CGM cho biết trong một tuyên bố.
CMA CGM tiết lộ, cho đến nay, hãng đã định tuyến lại tổng cộng 28 tàu, trong khi một số tàu khác vẫn thực hiện quá cảnh qua Biển Đỏ, một quyết định mà hãng cho biết là “dựa trên đánh giá chuyên sâu về bối cảnh an ninh” và cam kết đối với an toàn của thủy thủ đoàn.
Trog khi đó, hãng vận tải biển Hapag-Lloyd của Đức đánh giá, tình hình hiện nay vẫn còn quá nguy hiểm để các tàu đi qua Biển Đỏ. “Chúng tôi liên tục đánh giá tình hình và lên kế hoạch đánh giá tiếp theo vào hôm 29-12”, người phát ngôn của Hapag-Lloyd nói. Tuần trước, Hapag-Lloyd cho biết đang chuyển hướng 25 tàu container để tránh khu vực Biển Đỏ.
Hãng vận tải biển Mediterranean Shipping Co. (MSC) của Thụy Sĩ cho biết, tàu container United VIII của hãng bị tấn công khi đang đi qua Biển Đỏ hôm 26-12. Cùng ngày, phiến quân Houthi tuyên bố đã bắn tên lửa vào tàu United VIII. Theo Cơ quan hàng hải Anh, tàu United VIII đã lạc với liên minh hải quân do Mỹ dẫn đầu. Các báo cáo cho thấy thủy thủ đoàn vẫn an toàn và con tàu đang tiếp tục hành trình. Sau vụ tấn công, MSC tuyên bố cho đến khi sự an toàn của các tàu được đảm bảo, hãng sẽ tiếp tục định tuyến lại những tàu đã lên lịch trình quá cảnh qua kênh đào Suez.
Hôm 27-12, giá dầu trên thị trường quốc tế giảm hơn 2% khi các nhà đầu tư đánh giá lại tình hình an ninh ở Biển Đỏ, nơi cũng có nhiều tàu chở dầu đi qua.
“Tôi nghĩ chúng ta phải chờ xem liệu việc tăng cường tuần tra hải quân và định tuyến lại các tàu có giúp làm giảm các cuộc tấn công của lực lượng Houthi hay không”, Callum Macpherson, người đứng đầu bộ phận hàng hóa của Investec, bình luận.
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 26-12 cho biết, chỉ trong vòng 10 giờ, các lực lượng quân sự Mỹ đã bắn hạ 12 máy bay không người lái, 3 tên lửa đạn đạo chống hạm và 2 tên lửa hành trình tấn công mắt đất của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ
Cũng theo Bộ Quốc phòng Mỹ, lực lượng đặc nhiệm hải quân tham gia Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng bao gồm hơn 20 quốc gia. Dù vậy, hơn một nửa trong số đó cho đến nay vẫn chưa thừa nhận những đóng góp cho chiến dịch. Những đóng góp này có thể bao gồm từ việc điều động tàu chiến đến Biển Đỏ cho đến đến việc cử một sĩ quan tham mưu tham gia lực lượng đặc nhiệm hải quân. Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Na Uy và Đan Mạch tuyên bố, họ sẽ chỉ đóng góp tàu chiến cho một lực lượng do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chỉ huy.
Sự lưỡng lự của một đồng minh của Mỹ phần nào phản ánh những quan điểm bất động liên quan đến cuộc xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel ngay cả khi cộng đồng quốc tế chỉ trích các cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza, mà Bộ Y tế Gaza cho biết đã làm thiệt mạng hơn 21.000 người Palestine.
“Các chính phủ châu Âu lo lắng rằng, một bộ phận cử tri sẽ quay lưng lại với họ”, David Hernandez, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Đại học Complutense Madrid (Tây Ban Nha), nói và lưu ý thêm, người dân châu Âu ngày càng chỉ trích Israel và không muốn chính phủ của họ bị lôi kéo vào một cuộc xung đột ở Trung Đông.
Theo Reuters, CNBC