Các hãng xe đối phó cơn bão thuế quan của Mỹ

Các hãng ô tô đưa ra nhiều chiến lược khác nhau sau khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu ô tô, từ cắt giảm nhân sự, ngưng xuất khẩu cho tới trì hoãn tăng giá và tung ưu đãi.

Ngày 3/4 đánh dấu bước ngoặt lớn với ngành công nghiệp ô tô toàn cầu khi Mỹ chính thức áp dụng mức thuế nhập khẩu ô tô 25%.

Không dừng lại ở đó, từ ngày 3/5, mức thuế này sẽ tiếp tục được mở rộng áp dụng cho các linh kiện ô tô nhập khẩu như động cơ và hộp số, tạo hiệu ứng dây chuyền sâu rộng đến cả những mẫu xe được lắp ráp tại Mỹ.

Khách hàng xem xe tại một đại lý Lexus ở California (Mỹ) cuối tháng 3. Ảnh: AP.

Khách hàng xem xe tại một đại lý Lexus ở California (Mỹ) cuối tháng 3. Ảnh: AP.

Dù chính quyền Tổng thống Donald Trump khẳng định, mục tiêu của chính sách thuế quan này là để thúc đẩy sản xuất trong nước, thì trên thực tế, các hãng xe, người tiêu dùng và chuyên gia lại chứng kiến sự hỗn loạn ngày càng gia tăng.

Từ việc cắt giảm nhân sự, ngưng xuất khẩu, trì hoãn tăng giá cho đến các đợt khuyến mại bất ngờ, mỗi hãng xe đang có chiến lược riêng để đối phó với cơn bão thuế quan chưa từng có này, trang NPR của Mỹ đưa tin.

Stellantis cắt giảm sản xuất và nhân sự

Stellantis, tập đoàn sở hữu các thương hiệu Jeep, Dodge, RAM và Chrysler, đã tạm ngưng hoạt động một số nhà máy lắp ráp tại Mexico và Canada.

Hệ quả là khoảng 900 công nhân tại các nhà máy ở Michigan và Indiana đã bị cho nghỉ việc tạm thời. Trong một email gửi nhân viên, Giám đốc điều hành khu vực Bắc Mỹ Antonio Filosa cho biết đây là "biện pháp cần thiết trong bối cảnh thị trường biến động”.

Jaguar Land Rover, Mitsubishi dừng xuất khẩu sang Mỹ

Thương hiệu xe sang của Anh, Jaguar Land Rover, cũng đã ra quyết định tạm ngưng xuất khẩu xe sang Mỹ trong tháng 4.

Trong thông cáo gửi báo chí, hãng cho biết đang đánh giá lại chiến lược kinh doanh và điều chỉnh theo các "điều khoản thương mại mới" trước khi quyết định bước đi tiếp theo. Đây là động thái đặc biệt quan trọng khi Mỹ là một trong những thị trường lớn nhất của JLR.

Tương tự, vào giữa tháng 4, Mitsubishi chính thức thông báo tạm dừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu xe sang thị trường Mỹ do ảnh hưởng từ mức thuế nhập khẩu ô tô mới.

Quyết định này khiến tất cả các lô xe Mitsubishi nhập khẩu từ Nhật Bản, nơi sản xuất toàn bộ dòng xe của hãng dành cho thị trường Mỹ, hiện bị tạm giữ lại tại các cảng của Mỹ.

Toyota, Hyundai, Nissan tạm hoãn tăng giá

Một số hãng xe đang chọn cách "câu giờ" bằng việc giữ nguyên giá bán trong ngắn hạn.

Hyundai tuyên bố sẽ không điều chỉnh giá trong vòng hai tháng tới, tức đến đầu tháng 6.

Tương tự, Nissan cũng xác nhận sẽ giữ nguyên giá các mẫu xe nhập khẩu ít nhất cho đến ngày 2/6, do lượng xe chưa bị áp thuế vẫn đủ để bán trong gần 3 tháng tới.

Nissan hy vọng phục hồi doanh số sau khi Mỹ áp dụng thuế nhập khẩu ô tô mới, nhờ hiện có nhiều nhà máy tại quốc gia này.

Nissan hy vọng phục hồi doanh số sau khi Mỹ áp dụng thuế nhập khẩu ô tô mới, nhờ hiện có nhiều nhà máy tại quốc gia này.

Toyota, hãng xe bán chạy nhất tại Mỹ với hơn 2 triệu xe tiêu thụ trong năm ngoái, cũng xác nhận chưa có kế hoạch tăng giá trong thời điểm hiện tại. Người phát ngôn của hãng cho biết công ty đang theo dõi thị trường và sẽ hành động tùy theo diễn biến.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Cox Automotive, giá xe có thể tăng từ 10-15% đối với các mẫu xe chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế, trong khi các xe bị ảnh hưởng gián tiếp (qua linh kiện nhập khẩu) cũng có thể tăng giá 5%.

Ferrari, BMW, Ford có những cách tiếp cận khác biệt

Trái ngược với Toyota hay Hyundai, Ferrari đã công bố mức tăng giá lên đến 10% cho phần lớn dòng xe của hãng. Chỉ một số mẫu như Roma, 296 và SF90 không bị tăng giá nhờ hãng chấp nhận gánh phần thuế thay cho khách hàng.

BMW, hãng xe Đức có nhà máy tại Mexico, cho biết sẽ tự chi trả phần thuế nhập khẩu phát sinh cho các mẫu xe sản xuất tại đây, ít nhất đến hết tháng 5. Đây được xem là động thái "câu giờ" trước khi ra quyết định dài hạn.

Trong khi đó, Ford, nhà sản xuất xe có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất tại Mỹ, tận dụng cơ hội này để tung ra chiến dịch khuyến mại quy mô lớn. Hãng áp dụng giá ưu đãi theo mức giá nhân viên cho toàn bộ khách hàng, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hỗn loạn.

Stellantis cũng được cho là đã triển khai chiến dịch tương tự để giữ chân người mua.

Người tiêu dùng đổ xô mua xe trước khi giá tăng

Không chỉ các hãng xe, người tiêu dùng Mỹ cũng phản ứng mạnh trước các mức thuế mới. Nhiều người tranh thủ mua xe trong tháng 3 để tránh bị ảnh hưởng bởi đợt tăng giá dự kiến.

Theo khảo sát của AutoPacific vào cuối tháng 3, khoảng 18% người đang có nhu cầu mua xe cho biết họ sẽ mua sớm hơn dự định để "né" thuế.

Hyundai, nhờ vào chiến lược sản xuất nội địa được triển khai từ trước, đã ghi nhận tháng bán hàng cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của hãng tại Mỹ.

Toyota cũng ghi nhận lượng khách tăng đáng kể vào cuối tháng 3 tại các đại lý, cho thấy hiệu ứng lan tỏa từ tâm lý sợ giá xe tăng.

Tác động từ thuế linh kiện sẽ rất nhanh và sâu rộng

Dù thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã gây ra không ít xáo trộn, thì làn sóng thứ hai là thuế linh kiện dự kiến áp dụng từ ngày 3/5, có thể còn tác động mạnh hơn.

Theo chuyên gia của Reuters, các linh kiện nhập khẩu chiếm từ 40-80% cấu thành một chiếc xe được lắp ráp tại Mỹ, và chiếm từ 20 - 40% giá bán lẻ.

Điều này đồng nghĩa ngay cả xe "Made in USA" cũng sẽ không thoát khỏi làn sóng tăng giá trong thời gian tới.

Chí Vũ

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baoxaydung.vn/cac-hang-xe-doi-pho-con-bao-thue-quan-cua-my-192250424140730561.htm