Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong kinh doanh bất động sản?

* Bạn đọc Nguyễn Văn Hưng ở xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, các hành vi nào bị nghiêm cấm trong kinh doanh bất động sản?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2024. Cụ thể, các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

1. Kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định của luật này.

2. Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh.

3. Không công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

4. Gian lận, lừa dối, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản.

5. Thu tiền trong bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng hình thành trong tương lai không đúng quy định của luật này; sử dụng tiền thu từ bên mua, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng hình thành trong tương lai trái quy định của pháp luật.

6. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

7. Cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, sử dụng chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản không đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

8. Thu, quản lý, sử dụng phí, lệ phí và các khoản tiền liên quan đến kinh doanh bất động sản trái quy định của pháp luật.

* Bạn đọc Vũ Văn Hoàng ở xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, hỏi: Hành vi vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu giống thủy sản bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 11 Nghị định số 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi xuất khẩu giống thủy sản có tên trong danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu giống thủy sản không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thả giống thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng hoặc buộc chuyển đổi mục đích sử dụng, trường hợp không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi thì buộc tiêu hủy giống thủy sản đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 điều này;

b) Buộc tái xuất giống thủy sản, trường hợp không thể tái xuất thì buộc tiêu hủy giống thủy sản đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 điều này.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/cac-hanh-vi-nao-bi-nghiem-cam-trong-kinh-doanh-bat-dong-san-787891