Cây đổ vào ô tô, xe ngập nước do bão Yagi sẽ được bảo hiểm bồi thường như thế nào?

Đại diện các đơn vị bảo hiểm như Bảo Việt, PVI, PTI, Pjico, Liberty… cho biết ô tô gặp sự cố do bão Yagi gây ra đều được bồi thường thỏa đáng nếu chủ xe có mua bảo hiểm tự nguyện đối với vật chất xe, thân vỏ xe.

Bão Yagi được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua tại vịnh Bắc Bộ, gây thiệt hại nặng nề.

Trong 2 ngày 6/9 và 7/9, nhiều cây đổ, cột điện đổ hay bảng hiệu rơi trúng ô tô gây hư hỏng. Không ít người đang sử dụng xe thắc mắc trong trường hợp rủi ro này, bảo hiểm tự nguyện sẽ đền bù với tỷ lệ như thế nào? Chủ xe cần lưu ý những gì sau khi xe gặp sự cố? Đối với các trường hợp xe ngập nước hoặc bị thủy kích, bảo hiểm sẽ xử lý ra sao?

Đại diện Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho rằng việc chịu trách nhiệm bồi thường và mức giá trị bồi thường cho chủ xe thực hiện theo quy định trong hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết giữa chủ xe và công ty bảo hiểm.

Theo Điểm đ Khoản 2 Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Một ô tô bị cây đè do bão Yagi.

Một ô tô bị cây đè do bão Yagi.

Sự kiện bảo hiểm quy định tại Khoản 10 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định khi sự kiện đó xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm.

Chia sẻ với VnBusiness, chị Bùi Thu Châu, nhân viên kinh doanh Công ty Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life, cho biết trong hợp đồng bảo hiểm ký kết giữa 2 bên có thỏa thuận sự kiện xe bị hư hại do thiên tai là cơ sở được bồi thường và không thuộc các trường hợp loại trừ thì khách hàng có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường khi sự kiện đó xảy ra.

"Bên mua bảo hiểm ô tô bị thiệt hại vật chất do thiên tai cần kiểm tra trường hợp này thuộc phạm vi bảo hiểm trong hợp đồng đã ký kết với công ty cung cấp bảo hiểm hay không. Trong trường hợp trên, việc chịu trách nhiệm bồi thường và mức giá trị bồi thường cho chủ xe thực hiện theo quy định trong hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết giữa chủ xe và công ty bảo hiểm”, chị Châu cho hay.

Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm xe cơ giới cho biết không phải xe nào bị hư hỏng do bão Yagi gây ra đều được bồi thường, mà phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện theo quy định.

Cụ thể, trường hợp ô tô bị cây đè hay ngập nước, chủ xe cần nhanh chóng gọi điện thông báo cho công ty bảo hiểm để công ty cử nhân viên xuống hiện trường xác nhận thiệt hại, hướng dẫn chủ xe làm các thủ tục để được hưởng quyền lợi chi trả tiền bồi thường bảo hiểm.

Không chỉ vậy, chủ xe cũng có thể gọi cơ quan chức năng tới để ghi nhận và chụp hình lại hiện trường sau đó đưa xe đến nơi sửa chữa. Khi đó, công ty bảo hiểm sẽ căn cứ vào xác nhận của cơ quan chức năng hoặc hình ảnh, hiện trạng của xe khi gặp cây đổ để tiến hành thanh toán, bồi thường bảo hiểm.

Trong trường hợp ô tô bị cây ngã đổ đè khi đỗ trên đoạn đường cấm, dù đã mua bảo hiểm vật chất, chủ xe cũng sẽ bị đơn vị bảo hiểm từ chối bồi thường.

Các đơn vị bảo hiểm xe cơ giới cũng đưa ra tình huống xe bị thủy kích, bị vô nước do bão Yagi gây ra cũng bị từ chối bồi thường trong một số trường hợp.

Chẳng hạn, khi xe đang lưu thông trên đường khi thấy mực nước lên cao có nguy cơ xâm nhập vào động cơ, tài xế phải tắt máy ngay và nhanh chóng gọi cứu hộ. Tình huống này bên bảo hiểm sẽ giám định và xử lý bồi thường cho khách hàng.

Nếu chủ xe cố tình chạy tiếp dẫn đến tắt máy, tức nước đã xâm nhập vào động cơ, phía bảo hiểm sẽ từ chối bồi thường.

Về việc bồi thường, đối với mức thiệt hại vật chất thấp dưới 10 triệu đồng hoặc từ các nguyên nhân tự gây đơn giản như đá văng làm vỡ kính chắn gió, va quệt vào vật cố định gây xước móp thân vỏ xe,… chủ phương tiện chỉ cần chờ công ty bảo hiểm thẩm định và thông báo kết quả bồi thường.

Đối với mức tổn thất từ trên 10 triệu đồng hoặc các nguyên nhân phức tạp có thể dẫn đến hư hỏng kéo theo như xe bị sập gầm, sập hố,… giám định viên của công ty bảo hiểm tiếp nhận thông tin và hướng dẫn kịp thời, giám định hiện trường, tùy theo tình huống tai nạn, công ty bảo hiểm sẽ yêu cầu xin xác nhận của cảnh sát/công an/chính quyền địa phương rồi mới làm thủ tục bồi thường.

Về phương án bồi thường, theo chuyên viên chăm sóc khách hàng của một đơn vị bảo hiểm ô tô, đơn vị bảo hiểm sẽ đưa ra 2 hình thức: Sửa chữa xe hoặc bồi thường bằng tiền. Đối với phương án sửa chữa, nếu hợp đồng có điều khoản lựa chọn cơ sở sửa chữa, chi phí sẽ tính theo bảng giá chính hãng. Còn nếu chủ xe chọn đơn vị ngoài thì phải thống nhất theo giá trị trường. Việc bồi thường bằng tiền sẽ áp dụng cho những bộ phận dễ đánh giá thiệt hại mà không thể thay thế hoặc chủ xe gặp nạn tại khu vực không có xưởng dịch vụ chất lượng trong khi cần phải khắc phục tổn thất ngay.

Về mức độ bồi thường, nếu chỉ hư hỏng các bộ phận cụ thể thì các công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm thanh toán chi phí thực tế hợp lý thuộc phạm vi bảo hiểm để sửa chữa/ hay thế/bồi thường bằng tiền để sửa chữa, khắc phục tổn thất. Với trường hợp xe bị hư hỏng nặng, thiệt hại không thể phục hồi hoặc tổng chi phí sửa chữa >75% giá trị xe thì số tiền bồi thường tối đa bằng giá trị thực tế của xe tương đương trước khi xảy ra tổn thất và không vượt quá số tiền bảo hiểm ghi trên hợp đồng.

Bộ Tài chính đề nghị giải quyết quyền lợi bảo hiểm, bồi thường thiệt hại do bão số 3 chậm nhất là ngày 12/9

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa có Công văn số 1202/QLBH-PNT gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm do bão số 3 gây ra.

“Bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại các tỉnh phía Bắc. Để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại do cơn bão gây ra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật”, công văn của Cục nêu.

Đồng thời, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức thực hiện hỗ trợ nhân đạo theo quy chế nội bộ và quy định pháp luật có liên quan.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và giải quyết quyền lợi bảo hiểm chậm nhất là ngày 12/9/2024.

Theo nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, các công ty đã chủ động vào cuộc ngay, cử cán bộ, nhân viên tới các địa bàn trọng điểm mà bão số 3 đi qua để xác định thiệt hại về người và tài sản của khách hàng tham gia bảo hiểm.

Nhiều doanh nghiệp cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để tiến hành hỗ trợ nhân đạo, tiến hành xác định thiệt hại để tạm ứng và bồi thường cho các khách hành bị thiệt hại do bão số 3 để lại.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//bao-hiem/cay-do-vao-o-to-xe-ngap-nuoc-do-bao-yagi-se-duoc-bao-hiem-boi-thuong-nhu-the-nao-1102216.html