Các hình thức xử phạt vi phạm giao thông
Vi phạm giao thông là một vi phạm phổ biến trong đời sống, đối với mỗi hành vi vi phạm sẽ có hình thức xử lý, mức hình phạt riêng.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là hành vi trái pháp luật, có lỗi (cố ý hoặc vô ý) do tổ chức, cá nhân có năng lực trách nhiệm pháp luật hành chính thực hiện, vi phạm các quy định về giao thông đường bộ.
Căn cứ Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính và đối chiếu với quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, các hình thức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông bao gồm: Cảnh cáo. Phạt tiền. Tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn/đình chỉ hoạt động có thời hạn. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Với hình thức xử phạt cảnh cáo
Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP), hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng đối với 3 nhóm hành vi, như: “Thực hiện hành vi thi công trên đường bộ đang khai thác không treo biển báo thông tin công trình hoặc treo biển báo thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định”;
“Chăn dắt súc vật ở mái đường, buộc súc vật vào hàng cây hai bên đường hoặc vào cọc tiêu, biển báo, rào chắn, các công trình phụ trợ của giao thông đường bộ ” hoặc “tự ý leo trèo lên mố, trụ, dầm cầu”;
“Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc diều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô”.
Với hình thức xử phạt tiền
Hình thức xử phạt tiền đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được Chính phủ quy định thành các khung tiền phạt cao thấp khác nhau căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm.
Đối với mỗi vi phạm hành chính cụ thể, mức tiền phạt sẽ được thiết kế theo công thức “từ tối thiểu đến tối đa”. Theo đó, mức tiền phạt cụ thể đối với một vi phạm hành chính thường là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó.
Với hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề
Theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐCP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP), có 53 nhóm hành vi có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
Với hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách Nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan đến vi phạm hành chính.
Trong lĩnh vực giao thông, việc tịch thu tang vật, phương tiện được áp dụng đối với các vi phạm nghiêm trọng do lỗi cố ý. Khi bị áp dụng hình thức xử phạt này đồng nghĩa cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ phải gánh chịu thiệt hại về mặt vật chất.
Lưu ý, đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính nhưng có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/cac-hinh-thuc-xu-phat-vi-pham-giao-thong-ar827791.html