Các HTX ở Cư Jút nỗ lực hoạt động

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở huyện Cư Jút gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Trước thực tế này, các HTX đã vận dụng linh hoạt các giải pháp để tiêu thụ hàng hóa, duy trì hoạt động.

Khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm

Huyện Cư Jút hiện có 20 HTX. Trong đó, 15 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian gần đây, các HTX hoạt động trong lĩnh vực này đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, gặp rất nhiều khó khăn.

 Nhiều sản phẩm gấc sấy khô chuẩn bị được HTX Nông Lâm nghiệp Nam Hà cung cấp cho khách hàng nội tỉnh

Nhiều sản phẩm gấc sấy khô chuẩn bị được HTX Nông Lâm nghiệp Nam Hà cung cấp cho khách hàng nội tỉnh

Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cư Jút, phần lớn các HTX sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả, rau củ, nông sản… Do giãn cách xã hội trên phạm vi rộng ở nhiều tỉnh, thành, dẫn đến sức tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa sụt giảm. Tiêu thụ hàng hóa chậm, nên doanh thu của các HTX cũng giảm nhiều.

“Bình quân, giá các loại sản phẩm do các HTX sản xuất giảm từ 20-30% so với các năm trước. Tiềm lực tài chính của các HTX còn khiêm tốn, dẫn đến khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ở thời điểm này là không tránh khỏi”, ông Sơn cho biết.

HTX Nông Lâm nghiệp Nam Hà, thị trấn Ea T'ling, được biết đến là một đơn vị hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nên đơn vị không tránh khỏi khó khăn.

Theo ông Trần Văn Định, Giám đốc HTX Nông Lâm nghiệp Nam Hà, hoạt động chính của đơn vị là chế biến các sản phẩm từ quả gấc. Trung bình mỗi năm, đơn vị cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước từ 80-100 tấn các sản phẩm từ gấc sấy khô.

Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm 2021, số lượng sản phẩm của HTX giảm hơn phần nửa. Chưa kể, số sản phẩm đang tồn trong kho gần 10 tấn nữa. Nguyên nhân chính vẫn là do thị trường đầu ra không có.

Nỗ lực tìm kiếm thị trường

Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Nông nghiệp Cư Jút, thị trường chính của đơn vị vẫn là các đối tác ở những chợ đầu mối lớn tại các tỉnh Bình Phước, Đắk Lắk. Thời gian gần đây, dịch bệnh phức tạp, thực hiện giãn cách trong thời gian dài để phòng, chống dịch, nên việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

 Bún gấc là một trong những sản phẩm đặc trưng được chế biến từ gấc sấy khô của HTX Nông Lâm nghiệp Nam Hà

Bún gấc là một trong những sản phẩm đặc trưng được chế biến từ gấc sấy khô của HTX Nông Lâm nghiệp Nam Hà

“Chúng tôi tích cực tìm kiếm những đối tác mới ngay trên địa bàn tỉnh. Giá thành, chi phí liên quan cũng được HTX giảm nhiều. Thậm chí, nhiều thời điểm giá thành tính ra còn lỗ nhưng phải chấp nhận cùng chia sẻ để duy trì hoạt động kinh doanh”, ông Sỹ cho biết.

Tương tự, theo ông Trần Văn Định, Giám đốc HTX Nông Lâm nghiệp Nam Hà, thời điểm dịch bệnh, các thành viên trong HTX luôn đoàn kết, tìm hướng đi thích hợp. Trước đây, thị trường đầu ra của đơn vị chủ yếu là Đài Loan. Một số khác là các đối tác trong nước ở những tỉnh, thành lớn như Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Bây giờ tất cả hợp đồng đều chững lại.

“Các thành viên trong HTX chủ động bằng nhiều phương pháp để tiếp cận các đối tác nội tỉnh. Kể cả đối tượng khách hàng nhỏ lẻ, chúng tôi phải tìm kiếm để hợp tác. Mục tiêu cuối cùng là sản phẩm được tiêu thụ, nhằm có doanh thu”.

Cũng theo ông Hồ Sơn, trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều chính sách hỗ trợ cho HTX được triển khai. Tuy nhiên, khả năng nắm bắt, tiếp cận chính sách của HTX trên địa bàn còn hạn chế. Về phía địa phương đang đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền đến từng HTX.

“Trên cơ sở phổ biến các chính sách như: hỗ trợ vốn vay, giảm giá điện, gia hạn thời gian nộp thuế… các HTX sẽ tiếp cận với các chính sách. Địa phương sẽ nỗ lực trong hỗ trợ cho các HTX, nhằm giúp các đơn vị duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Sơn cho biết.

Bài, ảnh: Lương Nguyên

1,265

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/cac-htx-o-cu-jut-no-luc-hoat-dong-88870.html