Các khâu cần thông suốt
Theo Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh, 7 tháng qua giải ngân vốn đầu tư công chỉ mới được gần 8.500 tỷ đồng trong tổng kế hoạch vốn được giao hơn 31.940 tỷ đồng. Giám sát của HĐND thành phố cho thấy, đến thời điểm này, có 100 dự án giải ngân bằng 0 và 12 dự án giải ngân vốn được dưới 10%.
Ở góc nhìn khác, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, từ đầu năm đến nay, đã giải quyết dứt điểm 52 hồ sơ thẩm định giá các quận, huyện chuyển lên. Hồ sơ không ách tắc ở Sở Tài nguyên Môi trường mà "nằm" ở quận, huyện. Lý do chậm trễ có nhiều, trong đó có nguyên nhân tính pháp lý của dự án hoàn thiện chậm. Pháp lý dự án không bảo đảm nên không thể trình thẩm định giá. Các đơn vị thẩm định giá ở thành phố nhiều, nhưng chất lượng không đồng đều. Thù lao thẩm định giá không nhiều nhưng trách nhiệm nặng nên các đơn vị ngại tham gia thẩm định giá các dự án bồi thường; các quận, huyện vẫn loay hoay đi tìm đơn vị tư vấn - đại diện Sở Tài nguyên Môi trường nhấn mạnh.
Như vậy có thể thấy, ngoài các nguyên nhân khách quan như giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, giải ngân vốn đầu tư công chậm còn có nguyên nhân từ chính các địa phương, đó là tâm lý không dám làm. Một nguyên nhân quan trọng nữa đó là phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các bộ, ngành và địa phương. Cụ thể khi cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 đợt thứ 3 tại Phiên họp thứ Mười bốn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vừa qua, Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho biết, sau hơn 1 năm từ khi Quốc hội ban hành nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đến nay vẫn chưa hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các bộ, ngành và địa phương...
Ở phạm vi hẹp hơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong đợt này, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 114 dự án với tổng số vốn khoảng hơn 96.321 tỷ đồng trước khi giao vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Dù vậy Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng tổng số vốn mà Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là hơn 455.000 tỷ đồng, số vốn còn lại sau khi trình các dự án đợt 3 này là hơn 355.000 tỷ đồng.
Giải trình về con số này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với số vốn 355.000 tỷ đồng chưa phân bổ, Chính phủ đã có kế hoạch và trong tuần này sẽ trình sang để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Danh mục dự án trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế cũng sẽ trình cùng đợt này...
Giải ngân vốn đầu tư công chậm có thể coi là cố hữu bởi như chính thừa nhận của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngoài những nguyên nhân đặc biệt, có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan đã tồn tại 7 - 8 năm nay. Do đó, cho dù sắp tới Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết tháo gỡ vướng mắc, đồng thời có giải pháp hữu hiệu thúc đẩy đầu tư công những tháng cuối năm... thì mấu chốt vẫn là các khâu phải thông suốt. Không thể có tình trạng mỗi nơi tắc một chút, tắc một kiểu - như không giao vốn thì không giải ngân được, mà được giao vốn rồi thì lại không giải ngân được như đã diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh.
Và để làm được điều này, như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là phải xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, cốt lõi bởi vì sao cùng môi trường thể chế như nhau nhưng có đơn vị giải ngân cao, có nơi lại thấp? Trách nhiệm ở đâu chứ không thể nói chung chung là vướng mắc.