Các khoản chi phí thực hiện an sinh xã hội nên được tính vào lợi nhuận của doanh nghiệp

Trao đổi với PetroTimes, TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV cho rằng, nên xây dựng Luật có một chương về việc doanh nghiệp Nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị được cơ quan chủ sở hữu giao, tức là các khoản chi phí để thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ thay mặt Đảng và Nhà nước giao thì được tính vào lợi nhuận của doanh nghiệp và được quyết toán hàng năm.

TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV

TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV

PV: Thưa ông, tại Dự thảo Luật Quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Chính phủ trình Quốc hội đã điều chỉnh phạm vi theo hướng Nhà nước không trực tiếp quản lý về pháp nhân, doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ quản lý về dòng vốn đầu tư tại doanh nghiệp và doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp vào hành chính, vào hoạt động quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Trước hết, chúng ta thấy rằng sau gần 7 năm thực hiện Nghị quyết 12 của Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới quản lý doanh nghiệp Nhà nước và đã có Luật 69 ra đời. Tuy nhiên, Luật 69 vẫn còn hạn chế, chưa tạo động lực cho khối doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả.

Theo dự án sửa đổi Luật lần này thì nguyên tắc hoạt động của một doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường không phân biệt là sở hữu Nhà nước hay sở hữu của cộng đồng, tức là doanh nghiệp cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chúng ta đã nhận thức được rõ hơn vốn của chủ sở hữu, vốn của doanh nghiệp, thì dự thảo Luật đã phân biệt được rõ.

Ví dụ, khi ba người góp tiền với nhau để thành lập một công ty xây lắp, trong đó người góp ô tô, người góp máy xúc và người góp vốn lưu động, tổng hợp lại là khoảng 10 tỷ đồng để hoạt động. Nhưng khi một người rút ra thì không thể chỉ rút cái máy xúc của mình ra được mà lúc đó cần định giá máy xúc để công ty chuyển lại cho người đó bằng tiền, máy xúc vẫn phải để lại ở trong công ty hoạt động.

Nhà nước cũng vậy, nếu góp vốn vào doanh nghiệp thì không thể tự động tác động đến vốn và quản lý doanh nghiệp. Bởi vì đấy là tài sản của doanh nghiệp, doanh nghiệp có pháp nhân chịu trách nhiệm về tài sản đó trước Nhà nước theo pháp luật chứ không phải là Nhà nước tự động can thiệp vào như là quan điểm, mệnh lệnh hành chính. Như vậy theo tôi, định hướng xây dựng Luật lần này là một bước tiến lớn so với nhận thức về quản trị doanh nghiệp Nhà nước.

PV: Vậy theo ông, nếu Dự thảo Luật được thông qua sẽ tháo gỡ được những khó khăn bất cập trước đây của doanh nghiệp Nhà nước như thế nào?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Theo tôi, nếu Luật được sửa theo hướng như chúng ta vừa trao đổi thì đây là một cuộc cách mạng. Như vậy, Luật sẽ trao quyền nhiều hơn cho người đại diện phần vốn và đội ngũ làm công tác quản trị doanh nghiệp ở các doanh nghiệp Nhà nước. Bất cập hiện nay là vấn đề nào doanh nghiệp Nhà nước cũng phải trình, từ kế hoạch sản xuất kinh doanh, phê duyệt phương án đầu tư, phê duyệt nhân sự, phê duyệt quỹ lương. Thế nhưng, khi doanh nghiệp Nhà nước không hoàn thành nhiệm vụ, các cơ quan phê duyệt lại không chịu trách nhiệm. Câu hỏi đặt ra là tại sao khi doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ mà chỉ có mỗi bên điều hành quản trị doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, chúng ta quên mất một điều là trong nền kinh tế thị trường, thời cơ kinh doanh nó chỉ có một thôi và khi cơ hội đến nếu không nắm bắt và không tận dụng được thời cơ thì cơ hội sẽ vụt mất. Hệ quả là tất cả các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp về sau đều trở thành không hiệu quả. Trước đó, các doanh nghiệp tư nhân mong muốn có được một khối tài sản như của doanh nghiệp Nhà nước. Các CEO của doanh nghiệp Nhà nước thì lại mong muốn có một cơ chế linh hoạt như doanh nghiệp tư nhân để sử dụng hiệu quả nguồn vốn và tài sản của mình.

Như vậy, nếu lần này Luật sửa theo hướng chúng ta đang trao đổi thì sẽ gỡ được những rào cản về mặt hành chính, tạo động lực cho khối doanh nghiệp Nhà nước sử dụng vốn hiệu quả hơn.

PV: Hiện nay, nhóm doanh nghiệp Nhà nước tạo động lực phát triển lớn cho kinh tế - xã hội. Đồng thời, thực hiện một số nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo, cung cấp các mặt hàng thiết yếu và công tác an sinh xã hội. Vậy theo ông, Luật có nên tạo cơ chế chính sách đặc thù cho nhóm này không?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Đối với các doanh nghiệp Nhà nước có vị thế độc quyền mà Nhà nước đang chiếm thị phần chi phối, theo quan điểm của cá nhân tôi, nên xây dựng Luật có một chương về việc doanh nghiệp Nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị được cơ quan chủ sở hữu giao, tức là các khoản chi phí để thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ thay mặt Đảng và Nhà nước giao thì được tính vào lợi nhuận của doanh nghiệp và được quyết toán hàng năm vào lợi nhuận của doanh nghiệp để đảm bảo phần tính hiệu quả. Nếu hạch toán như hiện nay thì những đóng góp thầm lặng của doanh nghiệp Nhà nước sẽ không được xã hội ghi nhận và doanh nghiệp Nhà nước luôn bị mang một tiếng xấu, đã là doanh nghiệp Nhà nước thì làm ăn sẽ thất thoát và kém hiệu quả.

Ví dụ, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong cả mùa dịch Covid-19 đã giảm tất cả các loại phí và thuế theo chỉ đạo của Chính phủ tới 8.600 tỷ đồng trong hai năm. Như vậy, ACV hỗ trợ cho toàn bộ cả hãng hàng không quốc gia Việt Nam, cả các công ty cổ phần, các doanh nghiệp tư nhân bay trong nước đều được hưởng lợi từ việc giảm thuế và phí đó.

Như vậy, nếu không được hạch toán vào và dẫn đến nguồn tiền của ACV làm một số sân bay gặp khó khăn khi không cân đối được nguồn tiền. Bởi vì ACV đã mất hơn 8 nghìn tỷ đồng lợi nhuận để giảm phí và thuế trong hai năm.

Hay như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm theo quyết định của Thủ tướng là giảm giá điện cho những khu vực bị ảnh hưởng Covid-19 khoảng 27.000 tỷ đồng (khoảng hơn 1 tỷ USD). Nhưng vấn đề là hạch toán vào báo cáo cuối năm của EVN như thế nào thì chúng ta vẫn không sòng phẳng với các doanh nghiệp Nhà nước. Vì thế theo tôi, với góc độ nghiên cứu thì chỉ cần xây dựng một chương về hạch toán các nhiệm vụ chính trị mà được chủ sở hữu giao sẽ rất sòng phẳng.

Làm an sinh xã hội cũng giống như là đi làm sản xuất kinh doanh, đều được ghi nhận và đều được hạch toán vào trong báo cáo kế toán tổng hợp của tập đoàn.

Ví dụ như Nghị quyết 30/A/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo quy định là lấy phần lợi nhuận sau thuế, phần mà chia để lại cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp đi hỗ trợ là chưa được thỏa đáng. Các huyện đều gặp khó khăn, cũng không dứt điểm được các dự án đầu tư, các doanh nghiệp thì bị giảm nguồn lợi nhuận.

PV: Lại nói đến chuyện quỹ để tại doanh nghiệp, tại Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ đã đề xuất tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế (Điều 15 và Điều 18) lên tối đa 80%, tăng 30% so với mức đề xuất trước đây, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Tôi cho rằng, đề xuất của Chính phủ tăng lên 80% là hợp lý, để tăng quyền chủ động cho doanh nghiệp, tạo sự linh hoạt, kịp thời, tăng tính hiệu quả trong việc điều hành, sử dụng quỹ.

Tuy nhiên, nếu cho tôi đề xuất, tôi sẽ đề xuất theo thị trường, doanh nghiệp làm đề án chủ sở hữu duyệt có thể có năm để lại 100%, có năm để 50%, có năm để 80%, tùy theo từng tình hình, giai đoạn, từng ngành.

Cần phải lưu ý là việc để lại phần lợi nhuận để đầu tư là thuộc quyền của chủ sở hữu, không phải là quy định vào trong luật, có những mặt hàng doanh nghiệp có thể 5 năm liền để lại 100% lợi nhuận, nhưng đến năm thứ 6 doanh nghiệp bắt đầu nộp, thu và phần để lại lợi nhuận đấy là nâng vốn của doanh nghiệp lên. Nếu là công ty cổ phần, doanh nghiệp để lại như thế thì toàn bộ các cổ đông khác cũng phải thêm vốn vào để nâng vốn lên thì nó mới tạo được nguồn vốn thu hút từ bên ngoài.

Xin cảm ơn ông!

Làm an sinh xã hội cũng giống như là đi làm sản xuất kinh doanh, đều được ghi nhận và đều được hạch toán vào trong báo cáo kế toán tổng hợp của tập đoàn.

TS. Nguyễn Đức Kiên

Mạnh Tưởng (thực hiện)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cac-khoan-chi-phi-thuc-hien-an-sinh-xa-hoi-nen-duoc-tinh-vao-loi-nhuan-cua-doanh-nghiep-721167.html