Các khu công nghiệp góp phần thúc đẩy Bình Thuận phát triển

Trải qua chặng đường ¼ thế kỷ hình thành và phát triển, đến nay các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Bình Thuận cũng có những đóng góp đáng ghi nhận trong thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà vươn lên…

Cách đây tròn 25 năm, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư và cho phép thành lập thì KCN Phan Thiết đã chính thức khởi công xây dựng trong tháng 5/1999. Đây là KCN đầu tiên của tỉnh ta, do vậy vào thời điểm đó Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cũng được thành lập (ngày 9/8/1999) theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các KCN tại địa phương.

Khởi công KCN Hàm Kiệm I và Hàm Kiệm II (Hàm Thuận Nam).

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra tiến độ thi công KCN Tân Đức (Hàm Tân).

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra tiến độ thi công KCN Tân Đức (Hàm Tân).

Thực hiện định hướng phát triển qua các giai đoạn, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 9 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô diện tích hơn 2.930 ha, bao gồm 8 KCN đa ngành và 1 KCN chuyên ngành chế biến titan.
Theo Ban Quản lý các KCN Bình Thuận, đến nay có 7 KCN đã và đang đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: KCN Phan Thiết giai đoạn 1 (diện tích 68 ha), KCN Phan Thiết giai đoạn 2 (40,7 ha), KCN Hàm Kiệm I (132,67 ha), KCN Hàm Kiệm II (hơn 402 ha), KCN Sông Bình (300 ha), KCN Tuy Phong (150 ha), KCN Tân Đức (300 ha). Còn lại KCN Sơn Mỹ 1 (1.070 ha) đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và KCN Sơn Mỹ 2 - giai đoạn 1 (468,35 ha) hiện trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Ngoài đầu tư gần 7.225 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, các KCN trên địa bàn Bình Thuận bước đầu thu hút được 87 dự án thứ cấp còn hiệu lực (trong đó có 62 dự án trong nước, 25 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký hơn 16.722 tỷ đồng và 206,33 triệu USD. Riêng tại KCN Sơn Mỹ 1 cũng có 3 dự án quy mô lớn đăng ký triển khai là Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ I, Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II và dự án Kho cảng khí LNG Sơn Mỹ có tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD...

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn Bình Thuận.

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn Bình Thuận.

Được biết, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của các dự án đầu tư trong KCN trên địa bàn Bình Thuận so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đã tăng đáng kể qua các năm. Cùng với đó, các dự án trong KCN cũng thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh với giai đoạn 2006 - 2010 đạt tốc độ tăng trưởng hơn 214%, trong khi giai đoạn 2011 - 2015 tăng xấp xỉ 149%, còn giai đoạn 2016 - 2020 là gần 30% và từ năm 2021 đến nay là 48,96%... Gần đây, việc thu hút dự án hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo vào KCN tiếp tục cho thấy những chuyển biến tích cực theo hướng gia tăng số lượng quy mô lớn và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Đối với hàng chục dự án thứ cấp trong KCN sau khi đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh đã tham gia tạo việc làm ổn định cho hơn 2.500 lao động vào giai đoạn đầu và hiện tăng lên khoảng 11.000 lao động. Đặc biệt, các KCN được đầu tư tại địa phương còn cung cấp môi trường lao động công nghiệp hiện đại, góp phần đào tạo nguồn nhân lực mà nhất là lực lượng trẻ với tác phong làm việc công nghiệp, ứng xử có nguyên tắc và chuyên nghiệp… Mặt khác thông qua đầu tư phát triển hạ tầng KCN và kết nối đồng bộ với kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào KCN cũng tác động đến việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.

Bước vào giai đoạn mới, Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hoàn thành hạ tầng kỹ thuật các KCN đã thành lập cũng như đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút dự án thứ cấp. Đồng thời sớm hình thành tổ hợp công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics, cảng biển, kho cảng khí LNG tại khu vực Hàm Tân - La Gi gắn với bến cảng tổng hợp Sơn Mỹ. Ngoài ra cũng xem xét mở rộng 6 khu công nghiệp theo nhu cầu phát triển của tỉnh, xúc tiến nghiên cứu hình thành khu kinh tế ven biển phía Nam Bình Thuận thuộc địa bàn huyện Hàm Tân và thị xã La Gi (dự kiến khoảng 27.000 ha)… Qua đó tập trung khai thác hiệu quả và phát huy vai trò “đầu tàu” của các KCN, khu kinh tế trên lĩnh vực công nghiệp cũng như hướng tới đóng góp quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương vươn lên tương xứng tiềm năng, lợi thế mà Bình Thuận đang nắm giữ…

Đ.QUỐC

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/cac-khu-cong-nghiep-gop-phan-thuc-day-binh-thuan-phat-trien-123001.html