Các khu công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc phải tranh giành nhau để giữ chân các công ty nước ngoài
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và buộc một số công ty nước ngoài phải rời đi, tuy nhiên nguồn trợ cấp của chính phủ và việc thay đổi mô hình sản xuất đã thuyết phục được một số công ty ở lại Trung Quốc.
Ở tỉnh miền đông Giang Tô, Trung Quốc, nền kinh tế của nơi đây đang tạo ra tiếng vang lớn khắp Trung Quốc nhờ khu công nghiệp Tô Châu khổng lồ, đây là điển hình của một trong những chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ nhất của Trung Quốc trong suốt ba thập kỷ qua.
Khu công nghiệp khổng lồ Tô Châu được xây dựng trên diện tích lớn gấp 5 lần Manhattan, bản thiết kế được lấy cảm hứng từ công viên của đất nước Singapore, nhấn mạnh vào việc quy hoạch một khu đô thị gọn gàng và cảnh quan xanh mát. Thành phố của Tô Châu được ví như Venice của phương Đông đã được hiện đại hóa và trở thành một biểu tượng tuyệt đẹp, đại diện cho sự phát triển về công nghiệp của Trung Quốc.
Trong 25 năm kể từ khi thành lập, Khu công nghiệp Tô Châu đã đạt được thành công rực rỡ trong việc thuyết phục các nhà xuất khẩu nước ngoài đặt chân đến đó.
Bằng cách thu hút các công ty đa quốc gia có tên tuổi lớn như Microsoft, Siemens, Honeywell và Panasonic với những lời đề nghị cung cấp lao động giá rẻ và cơ sở hạ tầng hàng đầu, khu công nghiệp khổng lồ này đã giúp cho nền kinh tế của Tô Châu tăng gấp đôi trong 10 năm đầu. Trong nửa đầu năm nay, sản lượng của Khu công nghiệp chiếm 14% trong tổng toàn bộ nền kinh tế Tô Châu.
Tuy nhiên, hiện nay tất cả mọi thứ trong khu phức hợp công nghiệp đều không khả quan, có khá nhiều vấn đề kinh tế đang phải đối mặt, từ tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chững lại đến cuộc chiến thương mại với Mỹ và mới đây còn có thêm những lo ngại về một cuộc di cư sản xuất quy mô lớn của các công ty nước ngoài.
Các nhà chức trách địa phương đang tiến hành thực hiện mọi nỗ lực như cung cấp các khoản trợ cấp và các hình thức hỗ trợ khác để thuyết phục các công ty nước ngoài ở lại. Bởi nếu các công ty nước ngoài di dời việc sản xuất thì Trung Quốc sẽ bị thiệt hại rất nặng nề, họ sẽ không còn nguồn cung ứng việc làm cho tầng lớp lao động và doanh thu thuế dồi dào cho quốc gia.
Khu công nghiệp Tô Châu - ngôi nhà của 5000 doanh nghiệp nước ngoài đã chứng kiến sản lượng xuất khẩu của mình bị giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái trong 7 tháng đầu năm 2019. Trong khi đó, nhập khẩu đã giảm 15%. Đây là sự sụt giảm đáng kể đối với một khu công nghiệp được xây dựng dành cho ngoại thương.
Vào tháng 8, các quan chức của Bộ Thương mại Giang Tô đã đến thăm một số công ty nước ngoài tại khu công nghiệp với ý định muốn ngăn chặn các công ty chuyển đến những quốc gia có mức thuế thấp hơn ở Đông Nam Á, các nhà chức trách đã hỏi họ đang gặp vấn đề gì và chính quyền tỉnh có thể giúp đỡ họ như thế nào.
Trong số các công ty được chính phủ kêu gọi có nhà sản xuất bao bì SIG Combibloc của Thụy Sĩ, công ty này đã mất 8% đơn đặt hàng do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Theo giám đốc quan hệ công chúng Chen Minhua, mức thuế 10% mà Trung Quốc áp dụng đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu của Mỹ chắc chắn là rất lớn. Nhưng về mặt nhập khẩu, công ty đang được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp của chính quyền địa phương và được giảm thuế.
“Chúng tôi phải nhập khẩu các máy sản xuất đắt tiền và chính phủ đã đồng ý miễn cho chúng tôi 10% thuế đối với những máy móc nhập khẩu đó, điều này có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi. Ví dụ, nếu chúng ta nhập khẩu máy móc trị giá 1 tỷ nhân dân tệ (141,9 triệu USD), chúng ta có thể tiết kiệm được 100 triệu nhân dân tệ”, ông Chen nói.
Sha Haitao - Giám đốc của SIG Combibloc nói thêm, “Chính phủ các nước Đông Nam Á đang cung cấp nhiều chính sách hỗ trợ tốt hơn, chính vì vậy một trong những đối thủ của công ty chúng tôi đã thành lập một cơ sở mới tại Việt Nam, nhưng chúng tôi lại chọn thành lập cơ sở mới của mình tại Tô Châu vì có sự trợ cấp của chính quyền địa phương. Chúng tôi đã quyết định đầu từ 3 tỷ nhân dân tệ vào một cơ sở mới”.
Việc nắm giữ các công ty nước ngoài lớn như SIG Combibloc là điều rất cần thiết đối với khu các khu công nghiệp tại Trung Quốc.
“Các công ty nước ngoài đã chiềm 60 đến 70 phần trăm sản lượng xuất khẩu và nhập khẩu ở Tô Châu. Tại khu công nghiệp Tô Châu, một số công ty có định hướng xuất khẩu hàng hóa phải nhập nguyên liệu thô và máy móc về để sản xuất, vì vậy những thay đổi về chiến lược hoạt động của các công ty này sẽ làm ảnh hướng đến xuất nhập khẩu”, ông Liu Zhibao - Trưởng khoa kinh tế tại đại học Nam Kinh cho hay.
Trong vài năm qua, số lượng các công ty đầu tư nước ngoài bắt nguồn từ Giang Tô đã giảm, tuy nhiên quy mô đầu tư vẫn đang tăng lên. Những nguồn đầu tư nước ngoài mới vào Trung Quốc đang chuyển sang chiến lược nhắm vào thị trường nội địa của Trung Quốc thay vì xuất khẩu.
Những thay đổi về chuỗi cung ứng toàn cầu đang xác định lại vai trò của Trung Quốc trên thị trường thế giới và các doanh nghiệp xuất khẩu đang buộc phải chuyển trọng tâm của họ sang thị trường nội địa Trung Quốc.
Chằng hạn như Ruhlamat Automatic Technologies - một nhà sản xuất phụ tùng xe hơi của Đức có trụ sở được đặt tại Khu công nghiệp Tô Châu đã từng xuất khẩu khoảng 30% sản phẩm của mình. Nhưng giờ đây, sản lượng xuất khẩu đã giảm xuống chỉ còn 10%, theo Oliver Buergstein - Giám đốc điều hành cơ sở của công ty tại Tô Châu. Tuy nhiên với các chính sách ưu đãi được cung cấp bởi chính phủ địa phương, công ty vẫn cam kết sẽ có thực hiện các hoạt động sản xuất tại Tô Châu.
Tương lai u ám
Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến cho các nhà sản xuất khác trong khu công nghiệp phải điều chỉnh lại quy trình sản xuất của họ.
Tô Châu không phải là con gà đẻ trứng vàng duy nhất trong tỉnh đang phải đối phó với sự sụp đổ từ cuộc chiến thương mại. Năm ngoái, Hiệp hội các khu vực phát triển của tỉnh Giang Tô đã đăng một tuyên bố trên trang web của mình rằng các nhà cung cấp của Apple bao gồm các nhà sản xuất Đài Loan Compal, Wistron, Flexium, Merry, Catch và Invetec đã lên kế hoạch di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Vào một buổi tối cuối tháng 8 khi các công nhân dây chuyền sản xuất rời khỏi ca làm việc hàng ngày của họ, giao thông rất thoải mái. “Một vài năm trước, con đường chính sẽ chật cứng trong giờ cao điểm”, nhân viên an ninh địa phương cho biết.
Hai công nhân trong bộ phận kiểm tra tại nhà sản xuất thiết bị điện tử Wistron Kunshan cho biết mức lương của họ chưa bị ảnh hưởng, nhưng họ đang lo ngại về tương lai.
“Ông chủ của chúng tôi không bao giờ đề cập đến tác động chiến tranh thương mại đối với chúng tôi nhưng chúng tôi lo lắng về điều đó”, ông nói, trong khi các công nhân chuẩn bị về nhà bằng xe tay ga.
“Trong trường hợp xấu nhất, chúng tôi sẽ không được việc làm tại các nhà máy Trung Quốc, vì không dễ tìm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài trong những ngày này”, ông nói thêm.