Các kịch bản khó đoán cho cuộc Tổng tuyển cử Liên bang Đức
Các cuộc thăm dò dư luận tại Đức trong nhiều ngày qua cho thấy, cuộc tổng tuyển cử liên bang 2021 sẽ là cuộc tổng tuyển cử ganh đua gay gắt nhất tại Đức trong nhiều kỳ bầu cử gần đây.
Chỉ còn hai ngày nữa là nước Đức bước vào cuộc tổng tuyển cử liên bang để chọn ra một chính phủ và một Thủ tướng mới. Sau cuộc bầu cử Quốc hội này, Thủ tướng Angela Merkel sẽ rời khỏi quyền lực sau 4 nhiệm kỳ liên tục lãnh đạo nước Đức. Các thăm dò dư luận mới nhất tại Đức cho thấy, đảng cầm quyền Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo bắt đầu thu hẹp khoảng cách so với đối thủ chính là đảng Dân chủ xã hội SPD.
Trong một cuộc thăm dò mới nhất của Viện Forsa, cách biệt giữa Dân chủ xã hội và Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) đã thu hẹp xuống còn 3 điểm phần trăm và là cách biệt nhỏ nhất giữa hai ứng cử viên nặng ký trong cuộc bầu cử Quốc hội ở Đức. Điều này đồng nghĩa với việc nước Đức sẽ chứng kiến một cuộc bầu cử cạnh tranh gay gắt với tỷ lệ ủng hộ khá sít xao giữa hai đối thủ chính là đảng Dân chủ xã hội và liên đảng Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo, cũng như sẽ không có bất cứ đảng nào chiếm đa số quá bán của Hạ viện Liên bang của Đức để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ. Với kết quả khó đoán định, cuộc bầu cử Quốc hội Đức sẽ đặt ra những kịch bản nào cho chính trường nước này?
Cuộc tổng tuyển cử ganh đua gay gắt nhất tại Đức
Các cuộc thăm dò dư luận tại Đức trong nhiều ngày qua, do nhiều hãng thực hiện đều cho kết quả rất thống nhất, đó là đảng Dân chủ-Xã hội SPD tiếp tục là đảng dẫn đầu trong các đánh giá của cử tri Đức, vượt lên trên liên đảng Dân chủ/Xã hội Thiên chúa giáo – CDU/CSU. Việc đảng SPD vượt qua CDU/CSU đã diễn ra trong gần 2 tháng qua và sẽ không thay đổi cho đến khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 26/09 này.
Cũng theo các cuộc thăm dò này, cách biệt giữa SPD với CDU/CSU là rất sít sao, khi đảng SPD được dự đoán giành được 25-26% tổng số phiếu của cử tri Đức còn liên đảng CDU/CSU giành 22-23%, tức cách biệt chỉ là 2-3 điểm phần trăm. Các đảng phái khác như đảng Xanh hay đảng Dân chủ tự do FDP, đảng cực hữu “Lựa chọn thay thế cho nước Đức” (AfD) hay đảng “Cánh tả” (Die Linke) khó có thể chen chân vào cuộc đua giữa SPD và CDU/CSU khi bị bỏ lại ở khoảng cách khá xa, như đảng Xanh được dự báo về thứ 3 với khoảng 15-17% số phiếu của cử tri Đức.
Tất cả những con số này khẳng định một điều, đó là, cuộc tổng tuyển cử liên bang 2021 sẽ là cuộc tổng tuyển cử ganh đua gay gắt nhất tại Đức trong nhiều kỳ bầu cử gần đây. Cách biệt 2-3 điểm giữa SPD và CDU/CSU khiến không một ai dám chắc đảng nào sẽ chiến thắng. Ngoài ra, nếu nhìn lại toàn bộ chiến dịch tranh cử của các đảng phái tại Đức từ đầu năm 2021 đến nay thì cũng có thể thấy, 3 đảng SPD, CDU/CSU và đảng Xanh đã thay nhau dẫn đầu. Đảng Xanh đã tạo nên sự chú ý rất lớn vào đầu năm 2021 khi liên tục dẫn đầu trong các cuộc thăm dò cho đến tận tháng 05/2021, sau khi bà Annalena Baerbock thể hiện sự thiếu kinh nghiệm trong một số sự kiện tranh cử.
CDU/CSU đã vượt lên và củng cố vị trí dẫn đầu cho đến giữa tháng 7/2021. Khi đó, rất nhiều nhà quan sát đã cho rằng kết quả cuộc bầu cử vào tháng 9/2021 đã được ấn định. Nhưng vụ lũ lụt nghiêm trọng xảy ra tại Đức vào giữa tháng 7/2021 đã đảo ngược tình thế. Ông Armin Laschet, Chủ tịch đảng CDU đồng thời là ứng cử viên thay bà Angela Merkel, đã dính vào một sự cố truyền thông nghiêm trọng, khi cười nói vui vẻ vào thời điểm nước Đức đang tang thương. Từ sau sự cố đó, CDU/CSU đánh mất lợi thế và bị SPD vượt lên.
Những chi tiết này củng cố thêm nhận định rằng, không có đảng nào tại Đức có một nền tảng cử tri vững chắc để tin rằng mình có thể thắng lớn, đồng thời nền chính trị Đức cũng đang trong giai đoạn thiếu những nhân vật tạo nên sức hút lớn như bà Angela Merkel.
Kịch bản nào cho chính trường nước Đức?
Theo lý thuyết, đảng nào chiến thắng cuộc tổng tuyển cử ngày 26/9 và có nhiều ghế nghị sĩ nhất tại Nghị viện Liên bang Đức sẽ là đảng đứng ra thành lập chính phủ. Việc nước Đức tiếp tục có một chính phủ liên minh là điều chắc chắn vì không một đảng nào đủ sức giành đa số quá bán trong Nghị viện 598 ghế của Đức. Đảng SPD dự kiến có thể giành 204 ghế, liên đảng CDU/CSU được dự đoán sẽ giành 185-190 ghế còn đảng Xanh có thể giành khoảng 140 ghế.
Câu hỏi đặt ra ngay từ bây giờ, khi cuộc bầu cử chưa bắt đầu, đó là nước Đức sẽ có một liên minh ra sao. Đã có 4 kịch bản liên minh được nhắc đến nhưng có 2 kịch bản được thảo luận nhiều nhất. Kịch bản đầu tiên là liên minh “Đèn giao thông” (Đỏ-Vàng-Xanh) dựa theo màu cờ của các đảng, là màu Đỏ của đảng Dân chủ xã hội SPD, màu Vàng của đảng Dân chủ tự do FDP và màu Xanh của đảng Xanh. Nếu kết quả cuộc bầu cử sát với các cuộc thăm dò thì đảng Dân chủ tự do FDP dự kiến giành được khoảng 11-12% và khi đó liên minh “Đèn giao thông” có thể chiếm trên 50% ghế tại Nghị viện Đức.
Kịch bản lớn thứ hai là “Liên minh Jamaica”, tức giống màu cờ Jamaica, giữa CDU/CSU với đảng Xanh và đảng FDP. Đây là liên minh mà bà Angela Merkel từng muốn thiết lập năm 2017 nhưng bất thành, khiến CDU/CSU sau đó buộc phải lập “Đại liên minh” với đảng SPD.
Trong hai kịch bản được thảo luận nhiều nhất này, mấu chốt nằm ở lựa chọn của hai đảng là đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do FDP. Hiện tại, đảng Xanh đang có xu hướng nghiêng về SPD trong khi đảng FDP lại có xu hướng ủng hộ đảng CDU/CSU hơn. Chỉ có điều khác biệt là lãnh đạo đảng Xanh là bà Annalena Baerbock vẫn đang nuôi tham vọng trở thành Thủ tướng Đức, tức vẫn chưa bỏ quyết tâm đưa đảng Xanh lên nắm chính phủ, còn thủ lĩnh đảng FDP là ông Christian Lindner lại ủng hộ lãnh đạo CDU là ông Armin Laschet lên làm Thủ tướng Đức. Tính toán của các đảng phái này chắc chắn sẽ có thay đổi sau khi kết quả cuộc tổng tuyển cử được công bố bởi khi đó các đảng sẽ có vũ khí chính thức để đàm phán và mặc cả.
Về mặt lý thuyết, SPD đang có lợi thế hơn CDU/CSU nhưng khả năng CDU/CSU lôi kéo và thuyết phục được đảng Xanh cũng như đảng FDP vẫn còn. Khi đó, cho dù SPD chiến thắng nhưng kịch bản một chính phủ do CDU/CSU lãnh đạo vẫn tồn tại, dù ít. Cuối cùng, cũng không thể loại bỏ một chính phủ “Đại liên minh” giữa SPD với CDU/CSU tiếp tục được duy trì tại Đức, nhưng kịch bản này rất khó xảy ra.
Nước Đức đứng trước lựa chọn khó khăn cho vị trí lãnh đạo
Có 3 ứng cử viên thay thế bà Angela Merkel trong cương vị Thủ tướng mới tại Đức là ông Olaf Scholz, đại diện cho đảng SPD, ông Armin Laschet, đại diện liên đảng CDU/CSU và bà Annalena Baerbock, lãnh đạo đảng Xanh. 3 ứng cử viên này đã trải qua 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình trong 3 tuần qua và kết quả các cuộc thăm dò dư luận tại Đức đều đánh giá ông Olaf Scholz vượt trội hai đối thủ còn lại. Khoảng 44% cử tri Đức ủng hộ ông Olaf Scholz làm Thủ tướng Đức, so với khoảng 25% ủng hộ ông Armin Laschet và khoảng 20% ủng hộ bà Annalena Baerbock.
Ông Olaf Scholz được đánh giá cao bởi kinh nghiệm chính trường dày dặn, khi đang là đương kim Bộ trưởng Tài chính Đức, cùng phong thái điềm đạm, ôn hòa, nắm vững các hồ sơ lớn, là người ủng hộ quan hệ với Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, ông Armin Laschet đã bị rất nhiều điểm trong Hè qua sau các thảm họa truyền thông cũng như việc điều hành bị cho là thiếu hiệu quả trên cương vị Thủ hiến bang Bắc Rhine-Westphalia. ƯCV còn lại là bà Annalena Baerbock (41 tuổi) thì bị đánh giá là quá thiếu kinh nghiệm khi chưa từng giữ bất cứ cương vị quản lý nào trong chính quyền bang và liên bang.
Điều đáng nói ở đây là các chính trị gia có thể được cử tri Đức đánh giá cao hơn cho chiếc ghế Thủ tướng Đức lại không có mặt trong cuộc đua này, đặc biệt là ông Markus Soder, thủ lĩnh đảng CSU và là Thủ hiến bang Bavaria. Ông Soder đã quyết định nhường vai trò đại diện CDU/CSU cho ông Armin Laschet dù các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy cử tri Đức đánh giá cao ông Soder hơn ông Armin Laschet khá nhiều.
Tuy nhiên, chúng ta cần xác định rõ rằng, cuộc tổng tuyển cử liên bang tại Đức không phải là một cuộc bầu cử Thủ tướng Đức. Cuộc tổng tuyển cử này là để phân chia quyền lực tại Nghị viện Liên bang Đức cho các đảng phái và mặc dù về lý thuyết, đảng nào chiến thắng thì ƯCV của đảng đó sẽ là Thủ tướng, nhưng những kịch bản bất ngờ hoàn toàn có thể xảy ra. Chỉ có một điều chắc chắn, đó là bà Angela Merkel sẽ không rời ghế Thủ tướng Đức ngay sau ngày 26/9 bởi các đảng phái sẽ mất nhiều thời gian để thảo luận việc thành lập chính phủ liên minh mới. Năm 2017, các thảo luận này đã kéo dài tới 117 ngày và sau cuộc bầu cử này, các đàm phán liên minh cũng không thể kết thúc trong vài ngày.
Về mặt cá nhân, bất cứ ai lên thay bà Angela Merkel cũng sẽ phải chịu sức ép rất lớn bởi bà Angela Merkel đã để lại một di sản đồ sộ không chỉ cho nước Đức mà còn cho cả châu Âu cũng như các mối quan hệ địa chính trị trên thế giới. Đó có lẽ là lí do mà 2 ƯCV nặng ký nhất thay bà Merkel là các ông Olaf Scholz và Armin Laschet đều nhấn mạnh đến việc kế tục, tiếp nối rất nhiều chính sách của bà Merkel về đối nội và đối ngoại. Nói cách khác, vào thời điểm này không có ƯCV nào thực sự đủ tự tin để tự xây dựng hình ảnh của mình như là một sự khác biệt hoàn toàn so với bà Angela Merkel./.