Các kịch bản tăng trưởng cho năm 2025

Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ vừa được ban hành đã đưa ra các kịch bản tăng trưởng kinh tế, tương ứng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra trong năm 2025. Theo đó, Chính phủ quyết tâm đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng từ 8-10% nếu điều kiện thuận lợi.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực của tăng trưởng. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty CP Thiết bị điện (Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành). Ảnh: V.Thế

Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực của tăng trưởng. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty CP Thiết bị điện (Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành). Ảnh: V.Thế

Tại Đồng Nai, tỉnh đặt mục tiêu năm nay tăng trưởng 10% trở lên. Công nghiệp chế biến, chế tạo, đầu tư hạ tầng là những lĩnh vực động lực để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Công nghiệp chế biến, chế tạo và đầu tư hạ tầng là động lực

Theo yêu cầu của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương phải tập trung chỉ đạo, điều hành, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu 2 con số trong điều kiện thuận lợi hơn. Đây là mức phấn đấu cao nhất nếu so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%.

Để có kết quả tăng trưởng tốt của cả nước thì chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%. Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước để phát huy vai trò mạnh mẽ trong nền kinh tế chung.

Chính phủ ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và có thặng dư cao. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; cơ cấu lại các ngành kinh tế, tăng sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Công nghiệp chế biến, chế tạo và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng. Phân tích sâu hơn, theo các chuyên gia, tại kịch bản tăng trưởng GDP từ 6,5-7% thì tăng trưởng của ngành công nghiệp sẽ đạt mức 6,6-7,5% so với năm 2024; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến sẽ có mức tăng trưởng 7,4-8,3%. Tại kịch bản GDP tăng trưởng 8% thì ngành công nghiệp sẽ có mức tăng trưởng 9,3%. Nếu nền kinh tế có mức tăng trưởng 10% so với năm 2024 thì ngành công nghiệp dự kiến sẽ có mức tăng 11,9%.

Bên cạnh công nghiệp chế biến, chế tạo thì động lực tăng trưởng nữa là đẩy mạnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Dự kiến hết năm 2025 sẽ hoàn thiện được 3 ngàn km đường cao tốc và 1 ngàn km đường ven biển. Nhiều dự án đường cao tốc sẽ được mở rộng.

Tại Đồng Nai, tỉnh xác định xây dựng hạ tầng là khâu đột phá chiến lược nhằm tăng sức hút đầu tư, sức cạnh tranh của địa phương. Các dự án như Cảng biển Phước An đi vào hoạt động, Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào giai đoạn hoàn thiện, Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng tốc, các dự án về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp mới được đẩy mạnh triển khai tạo cho địa phương có thêm nhiều sức hút với doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp là nền tảng

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV), nhận định tăng trưởng kinh tế ở mức 10% rất khó đạt được. Việt Nam có thể đạt mức 7,5% ở kịch bản trung bình và 8% ở kịch bản tốt nhất. Trong các kịch bản tăng trưởng, nếu không thúc đẩy sự gia tăng của khu vực DN tư nhân thì các mục tiêu sẽ trở nên khó khăn. Thậm chí, bài toán tăng trưởng trên 8% và cao hơn sẽ là thách thức rất lớn.

Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, các dự báo quốc tế cho thấy, kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại, khi kết thúc năm 2024, mức tăng trưởng là 3,2%, giảm nhẹ so với mức 3,3% của năm 2023, giai đoạn 2011-2019 là 3,5%. Ngoài ra, những rủi ro địa chính trị, chính sách thương mại toàn cầu, nhất là bảo hộ thương mại đang gia tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng DN.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho hay, để hỗ trợ DN, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành nghị định liên quan đến miễn giảm, giãn, hoãn thuế và tiếp tục được áp dụng cho đến hết tháng 6-2025. Những miễn, giảm này không chỉ thực hiện hỗ trợ riêng cho DN, mà còn thông qua đó là hỗ trợ cho người dân. Điều này tiếp tục giúp kích cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và đây cũng là động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng.

Không chỉ trên bình diện chung mà đối với Đồng Nai, tỉnh cũng nhất quán với phương châm thành công của DN là thành công của địa phương. Mới đây, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ DN và phát triển kinh tế của địa phương do Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Minh Dũng làm trưởng ban. Đây là cơ quan giúp tỉnh đề ra các định hướng, chiến lược, các giải pháp liên quan đến hỗ trợ DN, hợp tác xã, nhà đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, giải pháp điều hành trong từng giai đoạn phù hợp với kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202502/cac-kich-ban-tang-truong-cho-nam-2025-57e5dc7/