Các kỳ Đại hội của Đảng và những dấu ấn lịch sử - Đại hội lần thứ VIII: Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng họp từ ngày 22-6 đến 1-7-1996.

Công cuộc đổi mới thu được những thành tựu quan trọng

Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã trải qua 10 năm và thu được những thành tựu quan trọng về mọi mặt, đặc biệt trong 5 năm (1991-1995): “Nền kinh tế đã khắc phục được tình trạng trì trệ, suy thoái; đạt mức tăng trưởng khá cao, liên tục và tương đối toàn diện; thực hiện vượt mức hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 1991-1995.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng bình quân hằng năm 8,2%; công nghiệp tăng bình quân hằng năm 13,3%; nông nghiệp tăng bình quân 4,5%; các ngành dịch vụ năm 1995 tăng 80% so với năm 1990 (bình quân hằng năm tăng 12%); lĩnh vực tài chính, tiền tệ đạt tiến bộ đáng kể, nổi bật nhất là đã chặn được nạn lạm phát cao, từng bước đẩy lùi lạm phát” [1].

Tuy nhiên, “chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế còn thấp, nguy cơ tụt hậu xa hơn còn lớn… Việc xây dựng quan hệ sản xuất mới có phần vừa lúng túng, vừa buông lỏng… Tài chính, tiền tệ chưa ổn định và thiếu lành mạnh” [2]. Trên lĩnh vực văn hóa, trong khi “các mặt văn hóa - xã hội còn nhiều vấn đề phải giải quyết” [3], toàn cầu hóa lại tạo ra những khó khăn mới đối với Việt Nam trong việc đề cao những giá trị truyền thống, xây dựng một xã hội nhân văn, chống sự suy đồi về đạo đức, lối sống thực dụng, vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân.

Tình hình trên đây đã tạo cho Việt Nam cả thời cơ và những thách thức lớn. Vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và nhân dân ta là phải tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, khắc phục khó khăn, khuyết điểm và yếu kém, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp với tranh thủ ở mức cao nhất sức mạnh của thời đại để giải quyết mâu thuẫn giữa tình trạng kém phát triển của nền kinh tế với yêu cầu rất cao của nền kinh tế - xã hội, yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Trước bối cảnh tình hình đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng họp từ ngày 22-6 đến 1-7-1996 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội (từ ngày 22 đến 26-6 họp nội bộ và từ ngày 28-6 đến 1-7-1996 tiến hành công khai). Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII gồm 170 đồng chí. Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII bầu ra Bộ Chính trị gồm 19 đồng chí. Đồng chí Đỗ Mười được bầu lại làm Tổng Bí thư.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng họp từ ngày 22-6 đến 1-7-1996 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng họp từ ngày 22-6 đến 1-7-1996 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII về các văn kiện trình Đại hội VIII khẳng định những thành tựu và chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém của đất nước sau 10 năm đổi mới.

Về thành tựu, báo cáo khẳng định: Do kiên trì đường lối đổi mới, vượt qua khó khăn, trở ngại, ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng, nên đã “Đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế, hoàn thành vượt mức nhiều mục tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm; tạo được một số chuyển biến tích cực về mặt xã hội; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh; thực hiện có kết quả một số đổi mới quan trọng về hệ thống chính trị; phát triển mạnh mẽ quan hệ đối ngoại, phá thế bị bao vây cấm vận, tham gia tích cực vào đời sống cộng đồng quốc tế”.

Về khuyết điểm và yếu kém, Báo cáo Chính trị chỉ rõ: Một là, nước ta còn nghèo và kém phát triển. Chúng ta lại chưa thực hiện tốt cần, kiệm trong sản xuất, tiết kiệm trong tiêu dùng, dồn vốn cho đầu tư phát triển; Hai là, tình hình xã hội còn nhiều tiêu cực và nhiều vấn đề phải giải quyết; Ba là, việc lãnh đạo xây dựng quan hệ sản xuất mới có phần vừa lúng túng, vừa buông lỏng; Bốn là, quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội còn yếu; Năm là, hệ thống chính trị còn nhiều nhược điểm.

Đánh giá tổng quát, Báo cáo Chính trị khẳng định: “Công cuộc đổi mới trong 10 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiệm vụ do Đại hội VII đề ra cho 5 năm 1991-1995 đã được hoàn thành về cơ bản. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc. Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa về cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn. Xét trên tổng thể, việc hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới những năm qua về cơ bản là đúng đắn, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, tuy trong quá trình thực hiện có một số khuyết điểm, lệch lạc lớn và kéo dài, dẫn đến chệch hướng ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, ở mức độ này hay mức độ khác” [4].

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát công trình thủy lợi tỉnh Trà Vinh, ngày 26-7-1996. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát công trình thủy lợi tỉnh Trà Vinh, ngày 26-7-1996. Ảnh: TTXVN

Báo cáo Chính trị nhấn mạnhnhiệm vụ và mục tiêu phát triển đến năm 2000 là bước rất quan trọng của thời kỳ phát triển mới - đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhiệm vụ của nhân dân ta là tập trung mọi lực lượng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ… phấn đấu đạt và vượt mục tiêu được đề ra trong Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000: Tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững, đi đôi với giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, cải thiện đời sống của nhân dân, nâng cao tích lũy từ nội bộ nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn vào đầu thế kỷ sau” [5].

Phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1996-2000, Đại hội xác định nhiệm vụ tổng quát: “Tập trung mọi lực lượng, tranh thủ thời cơ vượt qua thử thách, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, tiếp tục phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu được đề ra trong Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000” [6].

Đại hội VIII của Đảng có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước ngoặt chuyển đất nước sang thời kỳ mới - Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trình bày diễn văn bế mạc Đại hội VIII, Tổng Bí thư Đỗ Mười nhấn mạnh: “Đại hội VIII của Đảng là đại hội tiếp tục đổi mới vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đại hội đã quyết định nhiều vấn đề trọng đại, cần được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hãy tăng cường đoàn kết, đồng tâm nhất trí, ra sức phấn đấu hoàn thành mục tiêu và những công việc do Đại hội VIII đề ra” [7].

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, tr.154 - 155.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Sđd, tr.163 - 164.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Sđd, tr.165.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Sđd, tr.67-68.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Sđd, tr. 80.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Sđd, tr.168.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Sđd, tr.249.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/cac-ky-dai-hoi-cua-dang-va-nhung-dau-an-lich-su-dai-hoi-lan-thu-viii-tiep-tuc-doi-moi-day-manh-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-dat-nuoc-813846