Các lệnh trừng phạt mới của chính quyền Biden đối với Nga khiến giá dầu tăng vọt

Giá dầu Brent tương lai đã vượt ngưỡng 80 USD một thùng trong hôm đầu tuần, do các nhà giao dịch quan ngại về nguồn cung.

Ảnh minh họa. Ảnh: Getty.

Ảnh minh họa. Ảnh: Getty.

Giá dầu tiếp tục tăng trong ngày thứ ba liên tiếp vào hôm 13/1, trong đó giá dầu thô Brent tăng vọt lên trên 81 USD một thùng và đạt mức cao nhất trong 4 tháng. Sự gia tăng này diễn ra khi các nhà giao dịch tin rằng các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ nhắm vào xuất khẩu dầu của Nga có thể làm gián đoạn nguồn cung cho các bên mua lớn như Trung Quốc và Ấn Độ.

Giá dầu thô Brent tương lai tăng gần 1,5% lên 80,6 USD trong phiên giao dịch buổi sáng đầu tuần, sau khi vượt qua mức 80 USD một thùng trong hôm 10/1 lần đầu tiên kể từ tháng 10. Dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ cũng tăng hơn 1,5% lên 77,7 USD, đạt mức cao nhất trong 4 tháng. Dữ liệu cho thấy cả hai chuẩn đều tăng hơn 6% kể từ ngày 8/1.

Mỹ đã công bố một vòng trừng phạt mới "toàn diện" đối với Nga trong hôm 10/1, được áp dụng phối hợp với Vương quốc Anh. Các biện pháp này nhắm vào hai nhà sản xuất dầu mỏ lớn của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegaz cùng các thực thể liên quan, bao gồm các hạn chế đối với 183 tàu tham gia vận chuyển dầu thô của Nga.

Các hạn chế này có thể làm giảm mạnh lượng dầu xuất khẩu của Nga và thúc đẩy Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, và Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba, tìm nguồn dầu thô từ các khu vực thay thế như Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ, các nhà phân tích dự báo. Sự thay đổi này dự kiến sẽ đẩy giá toàn cầu cũng như chi phí vận chuyển tăng cao.

Goldman Sachs hôm đầu tuần nhận định rằng thông báo về đợt trừng phạt mới nhất củng cố quan điểm của họ rằng giá dầu Brent có thể tăng cao hơn nữa và vượt ngưỡng 70-85 USD một thùng trong thời gian tới, Reuters đưa tin.

Theo ngân hàng đầu tư này, các tàu bị lệnh trừng phạt nhắm tới đã vận chuyển 1,7 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2024, chiếm một phần tư lượng dầu xuất khẩu của Nga, trong đó phần lớn là dầu thô.

Reuters trích dẫn lời các nhà phân tích của RBC Capital Markets nêu bật những thách thức về mặt hậu cần đối với dòng dầu thô do lệnh trừng phạt gây ra. Nhiều tàu chở dầu bị ảnh hưởng bởi các hạn chế mới nhất đã được sử dụng để vận chuyển dầu của Nga tới Ấn Độ và Trung Quốc sau khi Nga chuyển hướng nguồn cung cấp dầu thô của mình sang châu Á để đáp trả lệnh cấm vận chuyển dầu bằng đường biển do phương Tây áp đặt vào năm 2022.

Một số tàu này cũng được cho là đã vận chuyển dầu từ Iran, một quốc gia khác đang chịu lệnh trừng phạt.

Các nhà phân tích từ Onyx Capital Group cảnh báo rằng các hạn chế nhắm vào "một số lượng rất lớn tàu chở dầu" có thể đặc biệt "có hậu quả" đối với Ấn Độ, hãng tin này cho biết.

Nga đã nổi lên như một nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Ấn Độ. New Delhi đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò của Moscow trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và cam kết tăng lượng nhập khẩu. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden đã thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt có thể gây ra hậu quả cho người tiêu dùng Mỹ, có khả năng dẫn đến giá xăng trong nước tăng.

Bình luận về các lệnh trừng phạt, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm 10/1rằng trong khi "một số người để lại dấu ấn trong lịch sử", ông Biden sẽ chỉ để lại một "mớ hỗn độn" khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào cuối tháng này.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/cac-lenh-trung-phat-moi-cua-chinh-quyen-biden-doi-voi-nga-khien-gia-dau-tang-vot-post181881.html