Các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Việt Nam – Myanmar
Sáng 13/5, Hội hữu nghị Việt Nam Myanmar (VMFA) phối hợp với Hội hữu nghị Myanmar - Việt Nam (MVFA) tổ chức Hội thảo giao thương song phương, với 26 doanh nghiệp Myanmar và 33 doanh nghiệp Việt Nam tham dự.
Các doanh nghiệp tham gia sự kiện thuộc các ngành hàng như thương mại, xây dựng, ngân hàng, logistics, điện lực, phát triển hạ tầng, nước, phân bón và nông nghiệp, nhân lực, phân phối dược phẩm và hàng tiêu dùng, nông sản (gạo, đỗ, ngô...), cà phê (arabica), dịch vụ du lịch, năng lượng mặt trời, nông nghiệp và thủy hải sản, sản xuất và chế biến quả bơ…
Hiện nay, Việt Nam là một trong các nước xuất khẩu nông sản lớn nhất, bao gồm các mặt hàng tỷ USD như gạo, cà phê… Trong khi đó, Myanmar cũng đang có Chiến lược Xuất khẩu Quốc gia (NES). Chiến lược này của Myanmar tập trung phát triển vào 14 ngành, bao gồm nghiên cứu nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp của Myanmar hiện có 6 tiểu ngành, gồm lúa gạo và sản phẩm từ gạo, đậu và hạt có dầu, rau quả tươi, chế biến thực phẩm, cao su và nghề cá. Do đó, tại sự kiện, hai bên đã tập trung đưa ra các đề án, dự án hợp tác tiềm năng thuộc 6 tiểu ngành trên.
Đối với lĩnh vực gạo - lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế nông nghiệp Myanmar khi mang về 14 – 15 triệu tấn gạo xay mỗi năm, đại diện Liên đoàn gạo Myanmar (MRF) cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Myanmar có thể hợp tác phát triển các dự án như khuyến khích thành lập các liên doanh nhà đầu tư Việt Nam – các công ty giống của Myanmar để sản xuất và phân phối hạt giống chất lượng, triển khai dự án “Đảm bảo sản xuất hạt giống chất lượng tại Myanmar”; liên doanh Việt Nam – Myanmar trong phát triển các chương trình canh tác hợp đồng có trách nhiệm.
Việt Nam và Myanmar cũng có thể hợp tác trong việc phát triển Khu kinh doanh và hàng hóa nông nghiệp tổng hợp (AAP) tại Myanmar. Khu vực sản xuất này bao gồm khu chế biến nông sản, chăn nuôi, đánh bắt cá ở gần biên giới; nhà máy chế biến gạo; sản xuất giá trị giá tăng đậu/ngô/mè; kho bảo quản được cơ giới hóa và hiện đại hóa; sản xuất nguyên liệu chăn nuôi…
Tại sự kiện, các doanh nghiệp Việt Nam – Myanmar đã có dịp bàn luận, trao đổi về các vấn đề hợp tác. Chia sẻ với Mekong ASEAN, bà Lương Tuyết Nga – Giám đốc điều hành công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Nhựa Phượng Hoàng cho biết, doanh nghiệp giới thiệu đến các đối tác tiềm năng về sản phẩm lưới dùng trong các nhà trồng nông sản, trong nhà nuôi tôm.
Bà Nga cho rằng, mô hình nuôi tôm công nghệ cao mới phát triển tại Việt Nam trong vài năm gần đây, dù vậy việc sử dụng các nhà lưới đã cho thấy hiệu quả khi giúp tăng sản lượng, giữ lại nước mưa, tránh tôm sốc nhiệt khi độ PH trong nước mưa chênh lệch với độ PH trong hồ nuôi. Trong khi đó, Myanmar là đất nước nuôi nhiều tôm và cua.
Mặc dù thấy được cơ hội hợp tác, tuy nhiên bà Nga cũng cho biết, việc tiếp cận thị trường Myanmar vẫn còn nhiều khó khăn, bao gồm vấn đề về giá, vận chuyển, thanh toán (do tình hình bất ổn chính trị hiện tại của thị trường) và doanh nghiệp cũng chưa nắm rõ được hết các văn hóa của doanh nghiệp bản địa.
"Buổi giao thương hôm nay là dịp để doanh nghiệp tìm hiểu thị trường và tìm kiếm các đối tác. Ngoài Myanmar, Nhựa Phượng Hoàng cũng đang tìm hiểu, mở rộng tại các nước trong khu vực ASEAN. Một số doanh nghiệp của Thái Lan, Indonesia và Singapore cũng cho thấy họ đang quan tâm đến sản phẩm của doanh nghiệp,” bà Lương Tuyết Nga chia sẻ.
Trong khi đó, nói về việc thâm nhập thị trường ASEAN nói chung, Myanmar nói riêng, bà Hoàng Khánh Vân – CTCP Dược liệu và Thực phẩm Việt Nam nhận định: “Đây là điều không dễ dàng”. Bởi không chỉ gặp đối thủ là doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp còn phải đối mặt với các công ty nội địa tại nước sở tại. Tại các thị trường lớn như Malaysia, Indonesia, với cộng đồng Hồi giáo lớn, doanh nghiệp còn phải có chứng nhận Halal nếu muốn tiếp cận sâu tại thị trường.