Các loài cá nóc chứa chất kịch độc, chỉ một lượng nhỏ có thể khiến nhiều người tử vong
Độc tố của cá nóc rất độc, tác động tới hệ thần kinh dẫn đến liệt cơ hô hấp, trụy tim mạch và tử vong. Đã có rất nhiều trường hợp tử vong do ăn cá nóc. Vậy chất độc trong cá nóc nguy hiểm đến mức nào?
1. Nhiều trường hợp nguy kịch, tử vong do ăn cá nóc
Nội dung
1. Nhiều trường hợp nguy kịch, tử vong do ăn cá nóc
2. Độc tố cực mạnh gây chết người
3. Các loài cá nóc độc nhất
Mặc dù đã được các cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo nhưng tình trạng người dân đánh bắt cá nóc về ăn dẫn đến ngộ độc nặng và tử vong vẫn liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương ven biển.
Mới đây nhất đã xảy ra vụ ngộ độc cá nóc khiến 03 người cùng trú tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận phải cấp cứu, 02 người may mắn được cứu sống còn 01 người quá nặng đã tử vong.
Theo đó, vào trưa ngày 15/9, ông Huỳnh Văn C. (35 tuổi), ông Đỗ Văn P. (34 tuổi) và ông Đỗ Tài T. (35 tuổi) ra biển bắt cá được 01 con cá nóc mú nặng khoảng 2kg, sau đó mang về nấu canh chua ăn với cơm. Đến khoảng 13 giờ 20 phút cùng ngày, cả 3 người xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như: tê môi, tê lưỡi, khó thở, buồn nôn, nôn mửa… Người nhà đã nhanh chóng chuyển các nạn nhân đến BVĐK Ninh Thuận cấp cứu. Do ngộ độc nặng, ông C. đã tử vong sau khi nhập viện. Hai người còn lại được điều trị tích cực và đã qua cơn nguy kịch.
Ngày 20/8, các ngư dân neo đậu tàu đánh cá trên vùng biển Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang sau khi tổ chức ăn uống có món cá nóc. Chỉ vài giờ sau, 01 người đã tử vong, 02 người còn phải cấp cứu trong tình trạng nặng.
Tại Bệnh viện đa khoa Kiên Giang, các ngư dân nhập viện trong tình trạng co giật, tê lưỡi, tê chân, đau đầu, người mệt mỏi. May mắn 02 người còn lại được cấp cứu kịp thời nên được cứu sống.
Ngày 13/3, UBND thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) xác nhận trên địa bàn có xảy ra vụ ngộ độc khiến 01 người tử vong, 03 người qua cơn nguy kịch.
04 người là các ông Nguyễn Văn T. (SN 1972), Nguyễn Thanh B. (SN 1967), Huỳnh Văn Đ. (SN 1983) và Nguyễn Thanh P. (SN 1965, cùng ở tại thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành) tổ chức nhậu tại nhà ông B.
Gia đình các nạn nhân cho biết, 4 người này đã mua cá nóc về làm thịt rồi tổ chức nhậu. Sau bữa nhậu, những người nói trên về nhà thì có biểu hiện bị ngộ độc nên được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do bị ngộ độc quá nặng nên ông Nguyễn Thanh B. đã tử vong; 03 người còn lại được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng tích cực điều trị nên qua cơn nguy kịch…
2. Độc tố cực mạnh gây chết người
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế),độc tố có trong cá nóc có tên là Tetrodotoxin, tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản (buồng trứng, túi tinh), mắt, mang, da, máu của cá nóc. Độc tính của độc tố tăng mạnh vào mùa sinh sản của cá (từ tháng 2 đến tháng 7).
Độc tố cá nóc không có trong thịt cá nóc, tuy nhiên khi đánh bắt, chế biến hoặc cá để ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt cá sẽ gây độc khi ăn.
Độc tố cá nóc rất độc, chỉ cần 4mg thịt cá có độc tố đã giết chết 1 con thỏ 1kg. Với người chỉ cần ăn 10g thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc. Chỉ từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người.
Độc tố cá nóc có tính bền vững cao. Nếu đun sôi ở 100°C trong 6 giờ độc tố mới giảm một nửa, đun sôi ở 200°C trong 10 phút độc tố mới bị phá hủy hoàn toàn. Như vậy, nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra, do độc tố chưa bị phá hủy hết. Khi phơi khô, chế biến thông thường độc tố chưa bị phá hủy nên vẫn gây ngộ độc.
Người ăn phải cá nóc có độc tố Tetrodotoxin, sau 5 phút đến 3-4 giờ mới xuất hiện cảm giác ngứa ở miệng; môi, lưỡi tê, khó chịu. Tiếp theo thấy mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, vã mồ hôi, tiết nước dãi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, mặt ửng đỏ, đau bụng, buồn nôn, nôn, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, chi dưới yếu, đồng tử co, liệt vận động nhãn cầu. Trường hợp nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, trụy tim mạch và tử vong. Tỷ lệ tử vong rất cao (60%) nếu cấp cứu chậm.
3. Các loài cá nóc độc nhất
Vùng biển Việt Nam có 66 loài cá nóc thuộc 12 giống và 4 họ, phân bố dọc bờ biển từ Bắc vào Nam, tập trung nhiều ở ven biển miền Trung. Cá nóc sống ở tầng đáy và sát đáy, nơi có nhiều cát, bùn cát, vụn san hô, đôi khi có cả ở cửa sông, nước lợ. Mùa xuất hiện cá nóc ở Việt Nam gần như quanh năm nhưng nhiều nhất từ tháng 5-6 và tháng 9-10.
Cá nóc thường dễ nhận biết, với vẻ ngoài có thân ngắn khoảng 4 - 20cm, chắc, thường có nhiều màu sắc khác nhau, da cứng, vảy ngắn. Đầu cá to, mắt lồi, không có vảy lưng và bụng, nhưng lởm chởm đầy gai. Bụng cá thường to tự phình lên như quả bóng, nằm ngửa tự trôi theo dòng nước. Tuy nhiên, khi phơi khô, nếu cá nóc lẫn lộn với các loài cá khác cùng kích thước thì rất khó nhận biết.
Viện Hải dương học Nha Trang đã nghiên cứu và công bố 39 loài sinh vật có chứa chất độc có khả năng gây chết người tại vùng biển Việt Nam, trong đó có 22 loài cá, 01 loài mực tuộc, 02 loài ốc, 03 loài cua, 01 loài sam và 10 loài rắn biển. Ngoài ra còn có 02 loài cá nóc nước ngọt được phát hiện ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long là cá nóc chấm xanh (Chelonodon nigroviridis) và cá nóc mắt đỏ (Carinotetraodon lorteti), tổng cộng là 41 loài sinh vật độc.
Trong 41 loài sinh vật chứa chất độc trên có 5 loại cực độc là: Cá nóc răng mỏ chim, cá nóc tro, cá nóc vằn mặt, cá nóc chấm cam, cá nóc chuột vằn mang. Trong đó cá nóc chấm cam và cá nóc chuột vằn mang là hai loài độc nhất.
Cá nóc chuột vằn mang (Aronthron immaculatus) thân có dạng hình trứng, vây lưng viền đen, bụng màu trắng tập trung một lượng chất độc khủng khiếp, cứ 100g trứng có thể giết chết 200 người; hàm lượng độc chất cao xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 10. Cá nóc chấm cam (Torquigener gallimaculatus) cũng rất đáng sợ, cứ 100g trứng hoặc gan loài cá này có thể giết chết 60 - 70 người.
Vì cá nóc chứa chất độc cực kỳ nguy hiểm với sức khỏe con người nếu ăn phải cho nên người dân cần chủ động nâng cao ý thức phòng tránh, tuyệt đối không sử dụng cá nóc làm thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân thực hiện các biện phápphòng ngừa ngộ độc cá nóc như sau: Cần loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt tại bến cá; Loại bỏ cá nóc lẫn cá thường khi phơi khô; Không làm chả cá nóc, bột cá nóc hoặc các sản phẩm các nóc khác để bán; Không ăn cá nóc tươi và các sản phẩm chế biến từ cá nóc.
Khi ăn phải cá nghi ngờ là cá nóc nếu xuất hiện dấu hiệu: ngứa họng, tê môi, tê lưỡi, tê bàn tay… thì gây nôn ngay bằng ngoáy thành sau họng, uống thuốc giải độc (than hoạt và sorbitol), đồng thời phải đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.