Các loại thuốc lá khác nhau thế nào?
Mọi sản phẩm thuốc lá đều gây hại, vì vậy, các tổ chức y tế kêu gọi những đối tượng không hút thuốc cần tránh xa mọi sản phẩm thuốc lá. Tuy vậy, khái niệm 'thuốc lá' hiện nay đã thay đổi vì có sự khác nhau giữa các sản phẩm thuốc lá. Trong đó các sản phẩm thuốc lá không khói (thuốc lá thế hệ mới) được khoa học nhìn nhận là ít tác hại hơn so với thuốc lá điếu.
Chính phủ và các cơ quan ban ngành đã và đang nỗ lực kiểm soát tác hại của thuốc lá trong nhiều năm qua cũng như tìm kiếm phương thức kiểm soát các loại thuốc lá thế hệ mới nhằm tối ưu hóa chiến lược kiểm soát thuốc lá của quốc gia.
Sự khác nhau giữa thuốc lá điếu và các sản phẩm thay thế thuốc lá
Với thuốc lá điếu, ngoài nicotin, khói do đốt điếu thuốc lá đã được khoa học xác định có chứa hơn 6000 chất hóa học khác và có đến 100 chất trong đó là các chất gây hại, nguyên nhân gây ra các bệnh liên quan đến hút thuốc lá điển hình như COPD (viêm phổi tắc nghẽn mạn tính), tim mạch và ung thư. Một số chất hóa học gây hại thường được các chuyên gia y tế nhắc đến có trong khói thuốc lá bao gồm hắc ín (tar), carbon monoxide, nitrosamine. Đây đều là những chất gây ung thư điển hình ở bệnh nhân hút thuốc lá. Trong khi đó các sản phẩm không khói cung cấp nicotin đã được khoa học kiểm chứng ít phơi nhiễm với các chất gây hại hơn so với thuốc lá điếu. Một số sản phẩm hiện đang được khoa học xem xét, đánh giá như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, thuốc lá ngậm snus…
Với thuốc lá ngậm snus, người sử dụng chỉ cần đưa một mẩu sản phẩm nhỏ được đóng gói theo dạng túi, đặt giữa má và nướu là có thể có được nicotin. Hoặc thuốc lá điện tử chỉ làm bay hơi dung dịch có chứa nicotin. Nicotin có trong dung dịch của thuốc lá điện tử sẽ được người dùng hấp thụ trong quá trình hóa hơi sản phẩm ở nhiệt độ dưới 350 độ C (mức chưa đủ cấu thành phản ứng cháy ở ít nhất 400 độ C). Thuốc lá làm nóng cũng sử dụng nhiệt độ dưới 350 độ C để làm nóng nguyên liệu thuốc lá và tạo ra nicotin chứa trong khí hơi aerosol sản sinh trong quá trình làm nóng.
Do làm nóng ở nhiệt độ thấp hơn nhiều và không có phản ứng cháy như thuốc lá điếu nên hàm lượng, nồng độ các chất này cũng thấp hơn đáng kể. Các bằng chứng khoa học đến nay cũng cho thấy khí hơi aerosol tạo ra bởi thuốc lá thế hệ mới (chỉ những sản phẩm đã được khoa học kiểm chứng) dù vẫn chứa các chất gây hại nhưng hàm lượng thấp hơn so với thuốc lá điếu. Tại Đức, nghiên cứu năm 2018 với sự tham gia của Viện Đánh giá Nguy cơ Liên bang Đức (BfR) cho thấy thuốc lá làm nóng tạo ra ít hơn đáng kể các chất gây hại, như các chất gây ung thư, cụ thể là giảm 80-95% aldehyde và 97-99% các hợp chất dễ bay hơi.
Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chính thức phân loại thuốc lá điếu và thuốc lá thế hệ mới. Theo đó, thuốc lá điếu là Thuốc lá đốt cháy (Combusted Cigarettes) và gọi thuốc lá làm nóng là Thuốc lá không đốt cháy (Non-combusted Cigarettes).
Nhưng vì đều là sản phẩm cung cấp nicotin thay thế thuốc lá điếu nên những sản phẩm này đều có đặc điểm chung là chứa nicotin là chất gây nghiện. Vì vậy các cơ quan y tế khuyến cáo trẻ vị thành niên, phụ nữ mang thai, bệnh nhân hay người đã cai thuốc lá thành công cần tuyệt đối tránh tiếp cận những sản phẩm này.
Các kết quả nghiên cứu khoa học đến nay cho thấy các sản phẩm không khói giảm thiểu tác hại hơn so với thuốc lá điếu do sự khác nhau về cơ chế cung cấp nicotin.
Kiểm soát thuốc lá theo khoa học và khuyến cáo của WHO
Các nước trên thế giới vẫn ưu tiên cai thuốc lá là phương án tốt nhất, bên cạnh đó là những giải pháp chuyển đổi để giảm thiểu tác hại.
Theo thống kê của WHO, hơn 346 triệu người trưởng thành sử dụng các sản phẩm không khói trên toàn cầu, chỉ tính riêng Đông Nam Á khoảng 86%. Thị trường toàn cầu của các sản phẩm thuốc lá điện tử có và không chứa nicotin vào năm 2015 ước tính là gần 10 tỷ USD, trong đó khoảng 56% thị phần thuộc về Hoa Kỳ và 12% là Anh Quốc, 21% thị phần được phân chia giữa Trung Quốc, Pháp, Đức, Ý và Ba Lan (3-5% mỗi quốc gia). Con số này được WHO báo cáo tại cuộc họp Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) lần thứ 7.
Cũng tại cuộc họp Công ước Khung FCTC nói trên, WHO cũng đã nhấn mạnh tính cần thiết của việc quản lý các sản phẩm mới. WHO cho biết, việc để cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới thâm nhập vào các quốc gia trong điều kiện không có cơ chế quản lý sẽ có thể đe dọa các chiến lược kiểm soát thuốc lá, cũng như có thể làm suy yếu nỗ lực của Công ước FCTC trong việc bảo vệ quy tắc không bình thường hóa hành vi hút thuốc lá.
Dựa trên kết quả của những nghiên cứu khoa học, các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác tại châu Âu, châu Á đã đưa thuốc lá làm nóng vào quản lý, bên cạnh việc tăng cường thực hiện những biện pháp kiểm soát thuốc lá hiện hữu. Sự dịch chuyển trong tiêu dùng thể hiện rõ ở chính sách quản lý khi nhiều quốc gia đã đưa những sản phẩm thuốc lá không khói vào chính sách y tế công như trường hợp gần đây của New Zealand và Philippines.
Việt Nam đang là một trong những quốc gia đang nghiên cứu phương thức quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Các nghiên cứu này bao gồm những biện pháp siết chặt sự tiếp cận của giới trẻ, đánh giá tính lợi ích trong việc ngăn chặn và phòng chống buôn lậu khi sản phẩm đưa vào quản lý, các lợi ích kinh tế quốc gia cũng như lợi ích cho người đang hút thuốc. Trong suốt hơn 4 năm qua, sau nhiều hội thảo đánh giá toàn diện từ các bộ ngành liên quan và phần lớn đều có sự thống nhất từ các bên, hiện chính sách kiểm soát các sản phẩm này đang chờ Chính phủ phê duyệt. Việc ban hành khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới chứng tỏ Việt Nam có đủ năng lực, không thua kém những nước trên thế giới đã và đang thành công khi dùng luật và cơ sở khoa học trong việc kiểm soát tất cả mọi loại sản phẩm thuốc lá. Điều này cũng có ý nghĩa trong việc đáp ứng sự kêu gọi của WHO trong chính sách chống bình thường hóa hành vi hút thuốc tại các quốc gia.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-loai-thuoc-la-khac-nhau-the-nao-165413.html