Các luật sư đề nghị xem xét lại tội danh của bị cáo Trương Mỹ Lan
Viện dẫn Điều 353 Bộ luật Hình sự, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, hành vi của bà Trương Mỹ Lan không đủ để cấu thành tội 'Tham ô tài sản'.
Sáng 20/3, phiên xét xử bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.
Trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, việc tách hành vi ra làm 2 giai đoạn truy tố thành 2 tội danh khác nhau là không phù hợp dấu hiệu đặc trưng trong cấu thành tội phạm và không đúng nguyên tắc có lợi cho bị cáo theo quy định.
Luật sư Thiệp dẫn chứng, theo kết luận của cáo trạng, từ ngày 1/1/2012 đến 7/10/2022, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2012 đến 31/12/2017, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau; đến 17/10/2022 còn dư nợ 132.247 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi. Hành vi của bị cáo đã gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 64.621 tỷ đồng.
Từ ngày 9/2/2018 đến 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.096 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền hơn 129.372 tỷ đồng.
Theo luật sư Thiệp, hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan ở cả 2 giai đoạn đều là hành vi chỉ đạo lập khống hồ sơ vay vốn nhưng lại bị truy tố ở 2 tội danh là “Nhận hối lộ” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Vì vậy, luật sư Thiệp đề nghị HĐXX xem xét.
Về tội tham ô tài sản, luật sư Thiệp cho hay, theo Điều 353 Bộ luật Hình sự quy định “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”. Trong khi đó, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và cáo trạng cũng xác định “bị cáo Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ trong Ngân hàng SCB”. Vì vậy, theo luật sư Thiệp, bị cáo Trương Mỹ Lan không phải là người quản lý, điều hành SCB.
Vì vậy, tài sản của SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan hoàn toàn không có trách nhiệm quản lý. Nếu có căn cứ để xác định bị cáo Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt tiền của SCB cũng không thể coi đó là dấu hiệu trong cấu thành tội “Tham ô tài sản”.
Về tội danh “Đưa hối lộ”, luật sư Thiệp cho rằng, lời khai của bị cáo Trương Mỹ Lan, Võ Tấn Hoàng Văn và Đỗ Thị Nhàn mâu thuẫn nhau.
Đồng quan điểm với luật sư Nguyễn Huy Thiệp, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan) cho biết, trước thực trạng tài chính yếu kém của 3 ngân hàng gồm SCB (cũ), Ngân hàng Tín Nghĩa và Ngân hàng Đệ Nhất, hiện tượng người dân rút tiền hàng loạt, nếu không hợp nhất kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của hệ thống tài chính tiền tệ của nhà nước.
Trước bối cảnh đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã vận động bà Lan tham gia vào quá trình hợp nhất 3 ngân hàng này. Bởi, những người này cho rằng chỉ có bà Lan mới đủ điều kiện vì có đủ tài sản, có uy tín trong và ngoài nước để tham gia vào quá trình hợp nhất thành công.
Để thực hiện Đề án hợp nhất, theo trình bày của bị cáo Trương Mỹ Lan, bà đã dùng các tài sản riêng, thuộc sở hữu của Công ty Vạn Thịnh Phát và Công ty An Đông làm tài sản đảm bảo để 3 ngân hàng có được thanh khoản cần thiết dự phòng đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra. Trong số các tài sản đảm bảo này có khách sạn Thương mại An Đông, công trình cao ốc Liên hiệp Gia cư và Thương mại Thuận Kiều (cùng ở quận 5, TP.HCM).
Đến năm 2022 trở đi, SCB đã xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm nợ xấu và tài sản tồn đọng, đa dạng hóa cổ đông với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trước khi đề án cơ cấu 2022-2028 được phê duyệt thì bà Lan bị khởi tố.
Về nguyên nhân dẫn đến vụ án này, theo luật sư Hoài là do các vấn đề trong cơ chế vận hành, quy trình hoạt động cho vay của Ngân hàng SCB. Ngoài ra, còn xuất phát từ mặt chủ quan trong nhận thức của bà Lan với tư cách cổ đông và đại diện nhóm cổ đông lớn của SCB.
Theo đó, luật sư Hoài chỉ ra rằng, khó khăn của SCB sau hợp nhất bắt nguồn từ khoản vay tín dụng tồn tại của ngân hàng cũ do các khoản lỗ, nợ xấu đã tích lũy nhiều năm.
Theo luật sư, bà Trương Mỹ Lan không ký bất kỳ hồ sơ vay và đảm bảo tiền vay nào nhưng phải đưa toàn bộ tài sản, dự án có giá trị nhằm đảm bảo khoản vay tái cơ cấu.
Đối với tội “Tham ô tài sản”, luật sư Hoài cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh bà là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản chiếm đoạt.
Về số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt của SCB, luật sư Hoài nêu, căn cứ vào lời khai của bà Lan về nguồn tiền các dự án mà SCB đã mượn của gia đình bà Lan và bạn bè đi cơ cấu nợ trước và trả chậm sau.
Cũng theo luật sư Hoài, bà Lan đã phải trả thay cho SCB để giữ uy tín cho bản thân. Hiện bà Lan vẫn còn nợ rất nhiều mà tất cả các dự án thì SCB quản lý hết cho nên khoản tiền gần 109.000 tỷ đồng và 14,7 triệu USD mà Bùi Văn Dũng (tài xế của bà Lan) vận chuyển từ SCB về 127 Pasteur thực chất là tiền của bà Lan rút ra để thay SCB trả nợ cho các dự án bất động sản và cổ phần mà SCB đã mượn trước đó.