Các lưu ý an toàn cho trẻ ở chung cư cao tầng
Nhiều ý kiến cho rằng đối với những căn hộ cao tầng mà có trẻ em, chủ căn hộ nên lắp đặt thêm lưới chắn an toàn ở ngoài ban công và cửa sổ.
Sự việc một em bé trèo qua lan can ban công căn hộ tầng 12A bị rơi tại chung cư số 60B, đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội may mắn một thanh niên đã đỡ được nên bé chỉ bị thương.
Qua vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng an toàn tại khu vực lan can các chung cư, nhà cao tầng.
Anh Bùi Viết Hoàng, có ba con nhỏ hiện đang sống tại tầng 15 chung cư Sunview Town (phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức) cho biết căn hộ của mình không có ban công mà trong phòng khách và phòng ngủ lại có cửa số nhưng lại không có chấn song. Cho nên việc đầu tiên khi dọn về ở là làm chấn song cho cửa, tiếp theo đó là không kê những đồ mà trẻ con có thể trèo lên bên cạnh cửa sổ.
"Rất nhiều vụ trẻ em gặp tai nạn liên quan đến việc rơi từ các tầng cao của các tòa nhà chung cư đã xảy ra khiến tôi buộc phải cẩn thận với con của mình. Dù có giám sát trẻ kỹ tới đâu thì người lớn cũng không thể đảm bảo 100% thời gian để mắt được tới chúng. Trẻ em tính thì năng động và tìm tòi nên có thể đi tới bất cứ nên rất nguy hiểm, thà làm chấn song cho an tâm còn hơn là để hằng ngày phải nơm nớp lo lắng"- anh Hoàng chia sẻ.
Cùng suy nghĩ trên, chị Nguyễn Thị Tú Quyên (Chung cư 8X Plus, quận 12) cũng cho biết mặc dù đứa nhỏ cũng đã khá lớn (6 tuổi) nhưng gia đình chị vẫn làm thêm tấm chắn an toàn ở ngoài ban công. "Căn hộ của tôi có tới ba ban công, trong nhà lại có con nhỏ nên cho dù có hay không có những vụ tai nạn rơi trẻ thương tâm thì tôi vẫn làm tấm chắn an toàn ngoài ban công. Việc làm này không chỉ để bảo vệ trẻ nhỏ mà còn đảm bảo an toàn cho người lớn vì không ai biết trước được điều gì xảy ra"- chị Quyên nói.
Trong khi đó anh Đỗ Ngọc (Chung cư Gia Phú, quận Bình Tân) lại đưa ra một góc nhìn khác: "Chung cư mà không có ban công hoặc nếu làm ban công mà làm bít chắc chắn, che hết tầm mắt nhìn ra không gian xung quanh thì sẽ không có nhiều người lựa chọn vì không phải nhà nào cũng có trẻ con để mà phải trang bị như vậy. Cái thứ hai là nếu rào bít hết ban công, cửa sổ mà không khéo có thể gây cản trở cho phòng cháy chữa cháy, thoát nạn cho chủ hộ.
Do đó, nhu cầu an toàn để trẻ con không leo trèo là nhu cầu riêng theo từng gia đình, là trách nhiệm của các bậc phụ huynh đối với con trẻ, không phải nhu cầu chung của mọi gia đình. Do đó, tự mỗi gia đình có con nhỏ nên có các lưới chắn an toàn ngoài ban công hay ở của sổ để bảo vệ cho chính con trẻ của mình".
Về kỹ thuật xây dựng lan can chung cư, anh Phạm Ngọc Thịnh (một công ty chuyên thi công nội thất, thiết kế cho các căn hộ chung cư) cho biết năm 2008 Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCXDVN 05:2008/BXD về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe.
Trong quy chuẩn này đã quy định rõ lan can, rào chắn của các công trình cao từ 9 tầng trở lên phải có chiều cao tối thiểu 1,4m (các vị trí khác tối thiểu 1,1m). Đồng thời phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang. Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua, không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 10cm.
Như vậy, Bộ Xây dựng đã ban hành rõ các quy chuẩn về xây dựng lan can, cửa sổ tại các chung cư cao tầng. Tuy nhiên, theo anh Thịnh, vẫn còn tình trạng đơn vị xây dựng thi công chưa đúng chuẩn. Chính điều này đã gây ra nguy hiểm cho người dân khi sống trên các căn hộ chung cư, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
"Đối với những gia đình có con nhỏ, các gia đình nên bổ sung thêm lưới chắn cho cửa sổ và ban công để ngăn trẻ leo khỏi lan can. Đồng thời, khi cải tạo sửa chữ thì không nên làm lan can bằng các thanh chắn ngang dễ tạo thành bậc thang hoặc đặt các đồ dùng như bàn, ghế, kệ để trẻ em leo, trèo"- anh Thịnh khuyến cáo.