Các nàng dâu sợ... Tết

Tôi từng sợ hãi cái Tết đầu tiên ở nhà chồng và rồi cũng phạm rất nhiều 'lỗi lầm' trong ngày đầu năm mới. Nhưng tôi không ngờ mình lại nhận được sự ngọt ngào đến vậy. Năm sau, tôi đề xuất bố mẹ chồng chỉ cúng cơm đúng 3 món, còn lại cả nhà ăn Tết bằng cá kho, thịt kho như thường ngày.

Con dâu mới biết ơn cái Tết đầu tiên ở nhà chồng

Sáng mùng 1 Tết, tôi hẹn đồng hồ lúc 5h sáng để dậy chuẩn bị cỗ bàn cho mẹ chồng. Vì là năm đầu tiên làm dâu nên tôi chưa biết phải làm sao cho phải đạo, và đúng ý mẹ chồng. Tôi chỉ dò hỏi ý của mẹ qua chồng và biết sáng mùng 1 nào nào mẹ cũng dậy rất sớm để chuẩn bị 3 mâm cỗ cúng rồi đón họ hàng đến ăn và chúc Tết vì bố chồng tôi là trưởng họ.

Nhưng không hiểu thế nào, đúng sáng hôm đó, tôi ngủ đến tận 7h30. Giật mình nhìn đồng hồ, tôi hốt hoảng lao xuống nhà, không kịp đánh răng rửa mặt, rối rít trình bày lý do. Tôi thật không biết để đâu cho hết ngượng. Nhất là khi thấy cỗ bàn đã tinh tươm, một mình mẹ tôi chuẩn bị gần như đã đầy đủ 3 mâm cỗ Tết.

Nàng dâu mới xúc động vì thái độ của mẹ chồng. Ảnh minh họa: Sohu

Nàng dâu mới xúc động vì thái độ của mẹ chồng. Ảnh minh họa: Sohu

Tưởng mẹ chồng sẽ tỏ thái độ nhưng không… Thấy con dâu bối rối, khuôn mặt đỏ bừng, mẹ nhẹ nhàng bảo: “Không sao đâu con, ra chặt giúp mẹ 2 con gà làm 4 đĩa là được. Cỗ toàn giò chả với thịt gà, nem, mẹ chuẩn bị sẵn từ hôm trước rồi. Tối qua các con đi đón giao thừa về muộn, thức đến 3h sáng thì dậy sớm làm sao được”.

Đúng là trong lòng tôi cũng nghĩ như thế nhưng không dám nói ra. Mẹ nói được lời đó khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Nhưng vấn đề là phải chặt gà làm sao? Từ bé tới giờ, tôi chưa từng chặt gà, và phải chia đĩa làm sao cho đều, cho đẹp? Đứng khựng lại một lúc, tôi nghĩ đến chuyện lấy điện thoại ra xem clip chặt gà rồi làm theo.

Tôi mang thớt, dao xuống dưới bếp, đeo sẵn găng tay rồi bật video lên. Sau nửa tiếng, 4 đĩa gà xếp gọn gàng được bê lên. Mẹ chồng tôi nhìn cười tâm đắc: “Cũng được đấy chứ nhỉ, biết chặt gà ra phết”. Tôi thở phào nghĩ: “May quá, mình thật nhanh trí”.

Bữa cơm trưa mùng 1 Tết toàn những người xa lạ với tôi nhưng nhanh chóng thành thân quen vì tiếng nói cười rôm rả. Tôi lì xì các cụ ông, cụ bà, cháu chắt nhà chồng, không quên kể những câu chuyện vui ngày đầu năm.

Sau bữa cơm, thấy tôi hì hụi rửa 3 mâm bát trong nhà, mẹ chồng giục con trai vào giúp một tay cho nhanh. Tôi rất bất ngờ vì mẹ chồng còn hiện đại hơn cả mẹ đẻ của tôi. Nhà tôi cũng có chị dâu nhưng mẹ chưa từng cho con trai rửa bát giúp vợ. Nước mắt bỗng rơm rớm ở khóe mắt tôi.

Quê chồng tôi có tục đi chúc Tết họ hàng, làng xóm. Đến nhà ai, tôi cũng được mẹ chồng giới thiệu rất nhiệt tình.

Một “tai nạn” đã xảy ra ngày hôm đó khi tôi vô tình ngồi vào chiếc gương đứa cháu họ chơi rồi để ở giường nhà ông ngoại chồng. Lúc đó, mặt tôi đỏ tía tai, tay chân run cầm cập. Tôi chẳng biết cầu cứu ai, chỉ biết hướng ánh mắt về phía chồng.

Cả nhà không ai nói câu nào, chỉ có mẹ chồng đứng dậy cười bảo: “Không sao đâu con, nhà này không kiêng, không mê tín. Gương vỡ lại lành. Ai cũng kiêng gương vỡ thì người bán gương bán cho ai chứ? Con đeo găng tay vào, nhặt vào túi, gói gọn bỏ thùng rác là được”.

Dù mẹ nói vậy nhưng tôi vẫn không hết run rẩy. Tôi hiểu mọi người đều không hài lòng nhưng chính sự bao dung của mẹ, lời nói của mẹ đã bảo vệ tôi, khiến tôi bình tĩnh hơn. Chồng tôi cũng cười xòa: “Mẹ nói đúng đấy em, để anh dọn cho”.

Tối hôm đó về nhà tôi cứ suy nghĩ mãi vì lo lắng mình mang xui xẻo đến cho nhà người khác. Nhiều người kiêng làm vỡ gương mà vỡ đúng ngày mùng 1 Tết thì thực sự là chuyện "tày trời".

Thấy tôi lo lắng không muốn ăn cơm, mẹ chồng lên tận phòng động viên: “Con ơi, không phải nghĩ gì đâu nhé. Mẹ nói thật đó, ông bà ngoại không nghĩ gì đâu, còn ai nghĩ gì thì mặc con ạ. Năm ngoái mẹ đốt nhang ngày mùng 1, bát hương cháy bùng bùng, ai cũng lo. Thế rồi cả năm đó nhà mình làm ăn phát đạt, không ai bệnh tật ốm đau gì. Phước lộc là do mình, đâu thể vì mấy chuyện mê tín ấy mà làm ảnh hưởng được con. Nghĩ thoáng đi…”.

Tự nhiên trong lòng tôi thấy nhẹ nhõm hẳn. Tôi từng lo lắng đủ thứ vì năm đầu làm dâu nhà chồng. Nhưng tôi không ngờ lại gặp được người mẹ chồng tâm lý, tốt bụng như vậy. Tôi thực sự biết ơn mẹ. Sự bao dung của mẹ đã khiến tôi cảm thấy mình phải sống tích cực hơn, gạt bỏ mặc cảm mẹ chồng nàng dâu và nhất định phải yêu thương gia đình chồng như gia đình ruột thịt của mình. Cái Tết đầu ở nhà chồng thực sự ý nghĩa với tôi.

Độc giả An Nhi

Năm sau tôi quyết tâm ăn Tết chứ không để Tết… ăn mình

Lấy chồng đã 5 năm nhưng Tết năm nay là lần đầu tiên tôi phải đứng bếp. Chắc nhiều chị em sẽ nói tôi thật may mắn. Tôi cũng công nhận điều đó.

Năm nào cũng vậy, cứ 29 Tết vợ chồng tôi mới về nội, tay xách nách mang quà cáp, bánh kẹo, hoa trái đủ thứ. Những ngày giáp Tết cả hai vợ chồng tôi đều bận rộn nên sẽ dành nửa ngày đi chợ và siêu thị để mua tất cả món đồ đã lên danh sách.

Không giống như các nàng dâu khác thường phải cắm mặt vào bếp mấy ngày Tết, tôi may mắn có bố mẹ chồng rất dễ tính.

Về đến nhà nội, vợ chồng tôi thong thả lượn chợ hoa, ưng mắt thì mua thêm cành đào, cây quất. Thậm chí, nhiều năm vợ chồng, con cái còn thảnh thơi đi uống cà phê. Tối 30, chúng tôi rủ nhau đi lượn phố, xem pháo hoa, qua giao thừa mới về nhà.

Chúng tôi được thảnh thơi như thế bởi lẽ việc bếp núc, cỗ bàn đã có ông bà lo tất. Tôi chỉ được giao nhiệm vụ chăm chút cho khu vực phòng khách thật xinh đẹp, ấm cúng. Năm nào cũng vậy nên tôi thực sự có được cảm giác Tết nghỉ ngơi, thư giãn thay vì sợ Tết như nhiều nàng dâu khác.

Ảnh minh họa: Thạch Thảo

Ảnh minh họa: Thạch Thảo

Nhưng năm nay, bố chồng tôi đổ bệnh. Mẹ chồng tôi cũng đã cao tuổi. Tôi mạnh dạn xung phong sẽ lo cơm nước ngày Tết thay ông bà. Bố mẹ chồng tôi nhất trí ngay và nói sẽ hỗ trợ vài món của nhà như luộc gà, gói bánh chưng.

Trước Tết, tôi khá hào hứng trước trọng trách “vĩ đại” này như một nàng dâu mới toanh.

Tất nhiên, bằng sự tỉnh táo của một nàng dâu hiện đại, tôi nhanh trí “order” vài món ăn sẵn, đảm bảo 3 yếu tố: ngon, tiện, lạ miệng. Đếm sơ thì hai phần ba mâm cỗ Tết của tôi là đồ mua sẵn, chỉ việc rán, hấp qua là có thể ăn ngay.

Nhưng tôi không ngờ là một phần ba số món còn lại cũng đủ “rút kiệt” sức lực của tôi mấy ngày Tết. Thịt đông, món xào, món canh… là những thứ tôi không thể mua trước để đến bữa chỉ việc mang ra bày. Cứ thế suốt từ 29 đến mồng 2 Tết ở nhà nội, hầu hết thời gian của tôi là ở trong bếp.

Thực sự chỉ khi bắt tay vào làm tôi mới biết mọi năm bố mẹ chồng đã vất vả nhường nào. Đó là chưa kể tôi đã mua sẵn phần lớn mâm cơm.

Ngày mồng 3, tôi về quê ngoại, tình hình cũng tương tự ở nhà nội. Sau khi lăn vào bếp giúp ông bà cơm nước suốt 3 ngày, tôi thấy mệt lử và nhận ra cả cái Tết chẳng lúc nào được nghỉ ngơi, thư giãn. Bao nhiêu bộ phim, cuốn sách chuẩn bị để nhâm nhi mấy ngày Tết cũng bị xếp xó.

Tôi đang bàn với chồng, Tết năm sau hãy ủng hộ tôi làm một “cuộc cách mạng” để cả nhà thực sự được tận hưởng kỳ nghỉ Tết.

Trước hết, tôi ủng hộ đề xuất của anh trai mời bố mẹ vào TP.HCM ăn Tết với con cháu một năm, thay vì anh chị và các cháu rồng rắn về với ông bà.

Vé máy bay từ Bắc vào Nam trong dịp Tết rẻ hơn nhiều so với chiều từ Nam ra Bắc. Chẳng phải Tết là dịp để đoàn tụ, sum vầy hay sao? Vậy thì sum họp ở đâu không quan trọng bằng việc các thành viên trong gia đình đều quy tụ về một chỗ. Hơn nữa, ông bà đã quanh quẩn lũy tre làng cả một đời rồi. Vào TP.HCM ăn Tết vừa là cơ hội để ông bà được đi đây đi đó, vừa biết chỗ ăn ở, môi trường sống của con cháu ra sao.

Còn với nhà nội, tôi sẽ thuyết phục ông bà để cho tôi làm rất đơn giản 3 món cúng gia tiên, gồm bánh chưng, gà luộc và thịt đông, đồng thời bớt số lần cúng cơm lại. Mỗi ngày chỉ nên cúng 1 bữa. Theo quan điểm của tôi, người chết đã chết rồi, cúng kiếng chỉ mang tính tượng trưng để con cháu nhớ về tổ tiên, thế là đủ.

Cả nhà ăn Tết với nhau thì chỉ cần những món ăn hằng ngày vẫn ăn là được – vừa đỡ ngấy vừa ngon miệng. Ví dụ hôm nay kho nồi thịt kho tàu, hôm sau kho một nồi cá… làm thế nào giản tiện nhất có thể.

Thời gian rảnh để cả nhà cùng nghỉ ngơi, trò chuyện, đi thăm họ hàng, lễ chùa, thậm chí cùng nhau ghé chơi một điểm du lịch gần nhà.

Trước mắt, chồng tôi rất tâm đắc trước đề xuất đó của vợ, chỉ còn công tác làm tư tưởng cho ông bà hai bên nữa là xong. Năm sau, chúng tôi quyết tâm nghỉ ngơi để ăn Tết chứ không để Tết… ăn mình.

Độc giả Khánh Linh

NS (th)

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/cac-nang-dau-so-tet-196240222115324558.htm