Các ngân hàng châu Âu đang đối diện với lệnh trừng phạt?
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định, các ngân hàng châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ rủi ro ngày càng tăng khi họ làm việc ở Nga.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang gây áp lực lên các ngân hàng Eurozone vẫn đang làm việc tại Nga để đẩy nhanh tốc độ rút lui do nguy cơ bị Mỹ trừng phạt.
Một số ngân hàng EU - bao gồm Raiffeisen Bank International (RBI) của Áo, UniCredit (Italy), ING (Hà Lan), Commerzbank và Deutsche Bank (Đức), OTP (Hungary), Intesa SanPaolo (Italy) và SEB (Thụy Điển) - vẫn duy trì sự hiện diện trên thị trường Nga bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trong một cuộc họp tại Frankfurt, Đức, Yellen đã cảnh báo các CEO của các ngân hàng châu Âu rằng họ cần nỗ lực mạnh mẽ hơn trong việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt đối với Nga và ngăn chặn các hành động lách luật để tránh bị phạt nặng.
Theo Reuters đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, bà cho biết: “Chúng tôi đang xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn đối với các ngân hàng nếu họ hỗ trợ các giao dịch cho chiến tranh của Nga”.
Tuy nhiên, bà Janet Yellen từ chối cung cấp thông tin cụ thể và không xác định bất kỳ ngân hàng nào mà họ có thể hướng tới.
Phát biểu bên lề cuộc họp của các nhà lãnh đạo tài chính G7 ở miền bắc Italy, Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh rằng quyết định trừng phạt cần phải có lý do cụ thể và căn cứ bởi nó có thể gây ra hậu quả không mong muốn. Đồng thời, bà cũng nhấn mạnh rằng hoạt động tài chính ở Nga vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và cần phải được đánh giá một cách cẩn thận.
Trước câu hỏi liệu bà muốn thấy các ngân hàng quốc tế Raiffeisen của Áo và UniCredit của Ý rút khỏi Nga không, bà Janet Yellen trả lời: “Tôi tin rằng những người giám sát của họ đã khuyên họ cần phải cực kỳ cẩn trọng về những gì họ làm ở Nga”.
Nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu Fabio Panetta ngày 25/5 đã có chỉ thị rõ ràng cho các ngân hàng Italy nên dừng lại hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh của họ tại Nga bởi việc tiếp tục hoạt động kinh doanh ở Nga có thể gây ra rủi ro đối với danh tiếng của họ.
Mới đây, cơ quan trừng phạt mới được tổ chức dưới thời của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt một biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với các ngân hàng mà được cho là liên quan đến việc hỗ trợ lách các biện pháp trừng phạt đối với Nga và các thực thể liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.
Bà Janet Yellen và các quan chức Bộ Tài chính Mỹ khác cho rằng nền kinh tế Nga ngày càng trở thành “nền kinh tế chiến tranh” khiến việc phân biệt giữa các giao dịch dân sự và quân sự hoặc các giao dịch lưỡng dụng trở nên khó khăn hơn.
Sự tồn tại của các lệnh trừng phạt thứ cấp đã làm giảm sự hợp tác của các ngân hàng với Nga, nhưng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen bày tỏ lo ngại rằng Nga đang tìm cách mua hàng hóa cần thiết để thúc đẩy sản xuất quân sự của mình, trích dẫn các giao dịch thông qua Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong tháng 5, Bộ Tài chính Mỹ đã gửi một cảnh báo bằng văn bản đến Raiffeisen Bank International vào đầu tháng này, đề cập đến nguy cơ mất khả năng tiếp cận hệ thống tài chính bằng đồng đô la của họ do các giao dịch ở Nga.
Sau khi nhận được cảnh báo, Raiffeisen Bank International đã hủy bỏ kế hoạch mua cổ phần trong một công ty công nghiệp mà liên quan đến Tập đoàn công nghiệp cơ khí Rusal của Nga. Raiffeisen Bank International đang rút lui khỏi các giao dịch gần với những người bị trừng phạt, và đây là bước lùi lớn trong hoạt động của họ sau hơn hai năm kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine diễn ra.
Áp lực từ phía Washington cũng làm cho các ngân hàng châu Âu phải đối mặt với sự thúc đẩy từ phía Mỹ để xem xét lại các mối quan hệ kinh doanh của họ với Nga.
Năm 2023, lợi nhuận tổng hợp mà các ngân hàng EU ở Nga tạo ra lên tới hơn 3 tỷ Euro (3,2 tỷ USD), đánh dấu mức tăng gấp ba lần so với năm 2021. Thu nhập tăng lên dẫn đến việc các ngân hàng phải trả khoảng 800 triệu Euro (857 triệu USD) tiền thuế ở Nga, tăng từ mức 200 triệu Euro vào năm 2021.