Các ngân hàng châu Âu ở Nga phải đối mặt với 'nhiều rủi ro khủng khiếp'

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với Reuters, các ngân hàng châu Âu phải đối mặt với rủi ro ngày càng tăng khi hoạt động ở Nga. Đồng thời nhấn mạnh Mỹ đang xem xét tăng cường các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các ngân hàng bị phát hiện hỗ trợ các giao dịch cho Moscow.

“Chúng tôi đang xem xét khả năng tăng cường trừng phạt cứng rắn hơn đối với các ngân hàng kinh doanh ở Nga”, bà Yellen nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn, từ chối cung cấp thông tin cụ thể và không xác định bất kỳ ngân hàng nào mà họ có thể nhắm tới.

Phát biểu bên lề cuộc họp của các nhà lãnh đạo tài chính G7 ở miền bắc Italy, quan chức cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt liên quan đến giao dịch của các ngân hàng ở Nga sẽ chỉ được áp dụng “nếu có lý do để làm như vậy, nhưng hoạt động ở Nga tạo ra rất nhiều rủi ro”.

 Các đòn trừng phạt kinh tế Nga gây cho kinh tế thế giới phải hứng chịu nhiều hệ lụy khó có thể xử lý trong một sớm một chiều. Ảnh: Internet.

Các đòn trừng phạt kinh tế Nga gây cho kinh tế thế giới phải hứng chịu nhiều hệ lụy khó có thể xử lý trong một sớm một chiều. Ảnh: Internet.

Khi được hỏi liệu bà có muốn thấy Ngân hàng Quốc tế Raiffeisen (Áo) và ngân hàng UniCredit (Italy) rút khỏi Nga hay không, bà Yellen nói: “Tôi tin rằng những người giám sát của họ đã khuyên họ phải cực kỳ cẩn thận về những gì họ làm ở đó”.

Cuối tuần qua, nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu Fabio Panetta đã có chỉ thị rõ ràng cho các ngân hàng Italy nói chung, đồng thời nhắc nhở họ phải “rời khỏi” Nga vì việc ở lại nước này sẽ mang lại “vấn đề về danh tiếng”.

Raiffeisen là ngân hàng cho vay lớn nhất châu Âu đang kinh doanh tại Nga, tiếp theo là UniCredit. Một đơn vị cho vay lớn khác là Intesa Sanpaolo (Italy) đang nỗ lực thanh lý hoạt động kinh doanh ở Nga.

Cơ quan trừng phạt thứ cấp mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden trao cho Bộ Tài chính nước này quyền cắt các ngân hàng khỏi hệ thống tài chính Mỹ nếu họ bị phát hiện đang hỗ trợ lách các biện pháp trừng phạt chính đối với Nga và các thực thể khác liên quan đến cuộc chiến của Moscow ở Ukraine.

Ngoài ra, bà Yellen và các quan chức Bộ Tài chính Mỹ khác đã nói rằng nền kinh tế Nga ngày càng trở thành một “nền kinh tế chiến tranh”, khiến việc phân biệt giữa các giao dịch dân sự và quân sự hoặc các giao dịch lưỡng dụng trở nên khó khăn hơn.

Sự tồn tại của các biện pháp trừng phạt thứ cấp đã làm giảm sự hợp tác của các ngân hàng với Nga, nhưng bà Yellen bày tỏ lo ngại rằng Nga đang tìm cách mua hàng hóa cần thiết để thúc đẩy sản xuất quân sự của mình, trích dẫn các giao dịch thông qua Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đầu tháng này, Bộ Tài chính Mỹ đã cảnh báo Raiffeisen bằng văn bản sau tin tức ngân hàng này có thể ký thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ euro (1,6 tỷ USD) với một tỷ phú Nga đang bị trừng phạt, rằng họ có thể cắt quyền tiếp cận hệ thống tài chính bằng đồng USD.

 Ngân hàng Raiffeisen (Áo). Ảnh: Reuters.

Ngân hàng Raiffeisen (Áo). Ảnh: Reuters.

Sau lời cảnh báo, Raiffeisen đã hủy bỏ kế hoạch mua cổ phần công nghiệp có liên quan đến tỷ phú Oleg Deripaska, đánh dấu bước thụt lùi của ngân hàng sau những năm chiến sự Nga – Ukraine nổ ra.

Trong khi đó, Washington sẵn sàng yêu cầu các ngân hàng châu Âu xử lý các mối quan hệ với Nga của họ.

Tại thủ đô tài chính Frankfurt của Đức tuần qua, bà Yellen đã cảnh báo các CEO ngân hàng tăng cường nỗ lực tuân thủ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và ngăn chặn các nỗ lực lách luật để tránh nguy cơ bị phạt nặng.

Ngày 19/5, hãng tin RT dẫn báo cáo của Cơ quan thống kê Liên bang Nga (Rosstat) cho biết, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng ấn tượng trong quý đầu tiên của năm 2024, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2024 của Nga tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quốc gia này cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu bán lẻ (tăng 10,5%), sản xuất (tăng 8,8%) và xây dựng (3,5%) trong 3 tháng đầu năm nay.

Dữ liệu của Rosstat phù hợp với ước tính trước đó của Bộ Kinh tế, nhưng vượt quá ước tính của Ngân hàng Trung ương Nga (tăng trưởng 4,6%) và kỳ vọng của các nhà phân tích (5,3%).

Trước đó, hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng từng dự đoán nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhanh hơn tất cả nền kinh tế tiên tiến trong năm 2024. GDP của Nga được dự đoán sẽ tăng 3,2%, vượt tốc độ tăng trưởng dự kiến của Mỹ (2,7%), Anh (0,5%), Đức (0,2%) và Pháp (0,7%).

Điệp Nguyễn (Theo CNBC)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-ngan-hang-chau-au-o-nga-phai-doi-mat-voi-nhieu-rui-ro-khung-khiep-post296966.html