Các ngân hàng công bố lãi suất cho vay trung bình, ngân hàng nào thấp nhất?

Theo thông tin về lãi suất cho vay bình quân được các ngân hàng công bố trong tháng 6, mặt bằng lãi suất cho vay trung bình tại các ngân hàng vẫn ở mức khá thấp, đặc biệt là tại big4 Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV.

Mặt bằng lãi suất cho vay xuống thấp

Theo công bố của Ngân hàng BIDV, lãi suất cho vay bình quân tại ngân hàng này chỉ là 5,82%/năm, ở mức thấp nhất hệ thống. Chênh lệch lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động vốn bình quân là 3,13%/năm. Chênh lệch lãi suất sau khi trừ các chi phí liên quan hoạt động huy động vốn, sử dụng vốn là 1,84%/năm.

Tại Vietcombank, lãi suất cho vay bình quân hiện trong kỳ công bố tháng 6 là 5,9%/năm. Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 3,2%/năm. Chênh lệch lãi suất sau khi trừ các chi phí liên quan huy động vốn và sử dụng vốn là 1,5%/năm.

Tại VietinBank, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng này hiện là 6,1%/năm. Chênh lệch lãi suất bình quân là 2,4%/năm.

Còn Agribank, lãi suất cho vay bình quân hiện nay được công bố là 7,06%/năm. Tuy nhiên, theo ngân hàng này, lãi suất cho vay dành cho khoản vay ngắn hạn đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ là 4%/năm.

Lãi suất cho vay thông thường đối với khoản vay ngắn hạn là 5%/năm và khoản vay trung, dài hạn là 5,5%/năm. Lãi suất cho vay thẻ tín dụng là 13%/năm. Chênh lệch lãi suất cho vay với chi phí vốn tại Agribank chỉ ở mức 1,4%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay tương đối thấp

Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay tương đối thấp

Đối với nhóm ngân hàng tư nhân, mức lãi suất cho vay công bố có sự khác biệt.

Như Techcombank, lãi suất cho vay bình quân cho khách hàng doanh nghiệp áp dụng trong tháng 5/2024 là 5,92%/năm; chênh lệch lãi suất huy động và cho vay bình quân là 2,67%/năm.

Đối với khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay bình quân là 7,03%/năm, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay bình quân là 3,78%/năm.

Tại ACB, lãi suất cho vay bình quân cho các khoản vay giải ngân trong tháng 5 là 6,7%/năm. Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 3,44%/năm (chưa bao gồm chi phí dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản, bảo hiểm tiền gửi, chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro tín dụng).

Đối với Sacombank, lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay giải ngân trong tháng 5 là 7,53%/năm (giảm 0,1%/năm so với tháng liền trước). Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay là 3,43%/năm (cũng giảm so với con số 3,5% tháng liền trước).

VIB, mức lãi suất cho vay áp dụng với khách hàng cá nhân bình quân là 6,81%/năm, với khách hàng doanh nghiệp là 5,8%/năm. Chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay là 2,96%/năm.

Còn Ngân hàng SHB, lãi suất bình quân cho vay được áp dụng từ tháng 4/2024 là 7,9%/năm; chênh lệch lãi suất (cho vay bình quân – huy động vốn bình quân) 3,7%/năm…

Lãi suất cho vay sẽ chưa tăng

Mặc dù lãi suất huy động tại các ngân hàng đã có nhiều đợt tăng, song lãi suất cho vay vẫn giữ ở mặt bằng thấp. Theo nhiều dự báo, mặt bằng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm vẫn sẽ giữ nguyên để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong điều kiện bình thường, khi lãi suất huy động tăng tất yếu sẽ tác động đến lãi suất cho vay. Nhưng trong bối cảnh hiện nay lãi suất cho vay khó có thể tăng do 2 nguyên nhân: Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát chặt chẽ lãi vay. Thứ hai, do áp lực cạnh tranh cho vay giữa các ngân hàng.

Ngoài ra, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ lãi suất trong năm 2022-2023, nên lãi suất cho vay trong năm nay sẽ giảm xuống để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.

"Như vậy, trong thời gian tới, lãi suất cho vay khó có thể tăng mặc dù lạm phát và chi phí huy động vốn đầu vào của các ngân hàng đang có xu hướng tăng lên", ông Hiển nhận định.

Trong một chỉ đạo vào cuối tháng trước, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay. Qua đó, để nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay, nhất là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các TCTD duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cac-ngan-hang-cong-bo-lai-suat-cho-vay-trung-binh-ngan-hang-nao-thap-nhat-post580025.antd