Các ngân hàng 'đại hạ giá' tài sản thế chấp, ô tô chỉ vài chục triệu đồng
Để giải quyết nợ xấu tồn đọng dịp cuối năm, nhiều ngân hàng đang rao bán loạt tài sản thế chấp nhưng vẫn 'ế'.
Vào tháng 10 vừa qua, nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III với tình hình nợ xấu đáng lo ngại. Ví dụ như LPBank ghi nhận nợ xấu tăng hơn gấp đôi lên 7,36 nghìn tỷ đồng so với quý trước, cao nhất trong 5 năm qua. Hay như tỷ lệ nợ xấu nội bảng của TPBank tăng vọt từ mức 0,84% hồi đầu năm lên 2,97% vào cuối quý III...
Để xử lý nợ xấu, trong đợt cuối năm, các nhà băng đẩy mạnh thanh lý tài sản thế chấp.
Mới đây, Agribank chi nhánh Đô Lương Nam Nghệ An thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thanh lý 1 chiếc xe chở tiền hiệu Mitsubishi PAJERO. Điểm đáng chú ý là chiếc xe hơi này có giá bán khởi điểm chỉ 36 triệu đồng. Trước đó, Agribank chi nhánh Cần Thơ cũng tổ chức đấu giá 4 chiếc xe ô tô chở tiền với giá khởi điểm chỉ từ 65 - 70 triệu đồng (chưa gồm VAT).
Hay như Vietcombank chi nhánh Sài Gòn Chợ Lớn đang rao bán 1 chiếc xe ô tô chuyên dùng chở tiền Ssangyong Rexton II đã cũ với giá khởi điểm 48 triệu đồng. VietinBank chi nhánh Hoàng Mai (Hà Nội) rao bán 1 chiếc xe ô tô hiệu Hyundai Santafe, giá khởi điểm 192,4 triệu đồng.
Những chiếc xe sang đắt đỏ hơn cũng xuất hiện nhiều trong các đợt đấu giá tài sản. TPBank đang bán 1 chiếc Mercedes C200 màu đen đăng ký ngày 3/3/2022 có giá từ 817 triệu đồng; 1 chiếc Vinfast Lux A2.0 màu đen đăng ký ngày 27/12/2021 có giá khởi điểm 583 triệu đồng và 1 chiếc Vinfast Lux A2.0 khác đăng ký ngày 24/3/2022 với giá từ 510 triệu đồng. VIB thì có chiếc Mercedes E300 sản xuất năm 2019 với giá từ 1,13 tỷ đồng, BMW 520i với giá từ 480 triệu đồng, BMW GT 528I 2014 giá từ 619 triệu đồng.
Giá khởi điểm mà các nhà băng đưa ra cho tài sản thanh lý thường khá hấp dẫn vì theo hình thức đấu giá, ai trả cao thì có quyền sở hữu nên mức ban đầu không cao. Thế nhưng, dù nghe khá “hời”, các cuộc đấu giá này vẫn ế khách. Lý do chủ yếu là vì thủ tục khá phức tạp và mất nhiều thời gian nên số người tham gia đấu giá không nhiều. Nhưng cũng chính vì ít cạnh tranh nên cơ hội mua được xe, nhà đất giá rẻ của người tham gia khá cao. Bên cạnh đó, việc không rõ cụ thể tình trạng của tài sản cũng khiến nhiều người e ngại tham gia đấu giá.
Cùng với xe ô tô, trong bối cảnh khó khăn, nhiều ngân hàng liên tục rao bán các bất động sản vốn là tài sản thế chấp của khách hàng, bao gồm căn hộ, nhà nguyên căn, nhà xưởng,...
Cụ thể như, trong tháng 11, BIDV tổ chức đấu giá quyền sử dụng hơn 1.130m2 đất dùng để xây dựng khu thương mại, dịch vụ tại phường 12, quận 6, TP.HCM với giá khởi điểm hơn 72,8 tỷ đồng. Mức giá này rất hấp dẫn nhưng đây đã là lần thứ 14 rao bán mà vẫn chưa có khách “chốt”.
Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank cũng thông báo tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tọa lạc tại địa chỉ số 110 phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là tài sản đảm bảo cho khoản vay của Cty TNHH Ajmal Việt Nam tại Agribank chi nhánh Hà Thành. Thửa đất có diện tích 100,8 m2, nhà ở riêng lẻ trên đất có diện tích sàn 205,2 m2. Giá khởi điểm cho tài sản này là 30,6 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Trong lần chào bán trước đó vào cuối tháng 8/2022, Agribank đưa ra giá khởi điểm 60,5 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa là mức giá khởi điểm trong lần này đã giảm một nửa.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đến ngày 30/9/2023 đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,4% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Đáng chú, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản đến cuối tháng 9 đã tăng lên 2,89%, cao hơn nhiều so với mức ghi nhận vào cuối năm 2022 là 1,72%.