Các ngân hàng lớn nhất Mỹ bơm 30 tỉ USD ứng cứu First Republic Bank
Ít nhất 8 nhà vay lớn nhất Phố Wall đang bơm tiền cho các quỹ của First Republic Bank (ngân hàng Đệ nhất Cộng hòa), ngân hàng lớn số 14 của Mỹ đang bị khó khăn tài chính bủa vây.
11 trong số các ngân hàng lớn nhất của Mỹ ngày 17/3 (giờ địa phương) đã công bố sẽ rót tổng cộng 30 tỷ USD vào Ngân hàng First Republic (Đệ nhất Cộng hòa), trong bối cảnh Phố Wall và các quan chức Mỹ tổ chức một cuộc can thiệp khẩn cấp nhằm dập tắt những chấn động trong lĩnh vực tài chính.
Theo tờ Politico, các ngân hàng lớn nhất của Mỹ đang rót 30 tỷ USD vào First Republic Bank để hỗ trợ ngân hàng có trụ sở chính tại San Francisco này và tìm cách dập tắt mối lo ngại ngày càng tăng về sức khỏe của hệ thống tài chính quốc gia.
Hành động phối hợp của 11 công ty cho vay hàng đầu Phố Wall diễn ra trong bối cảnh vụ sụp đổ nhanh chóng và nặng nề của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) vào tuần trước - vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ.
Giá cổ phiếu của First Republic Bank đã dao động bất ổn trong cả tuần qua, làm gia tăng nguy cơ một ngân hàng lớn thứ ba của Mỹ có thể sụp đổ trong vòng chưa đầy một tuần sau sự sụp đổ của SVB và Signature Bank. Các quan chức liên bang hy vọng sự can thiệp của Phố Wall sẽ chấm dứt nỗi sợ hãi lan truyền khắp hệ thống.
Các nhà quản lý liên bang cho biết diễn biến trên thể hiện “khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng” - theo một tuyên bố chung của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell, Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) Martin Gruenberg và Quyền Kiểm soát viên Tiền tệ Michael Hsu.
Việc bơm tiền nhằm mục đích xóa tan nỗi sợ hãi của những người gửi tiền và nhà đầu tư rằng First Republic Bank và các ngân hàng cỡ trung bình khác có thể trở thành nạn nhân của những cuộc "tháo chạy" tiền gửi nguy hiểm. Hành động ứng cứu của khu vực tư nhân cũng có thể giúp chính quyền Tổng thống Biden tránh được cáo buộc có thể gây tổn hại về mặt chính trị rằng họ đang cứu trợ các ngân hàng.
Trong động thái trên, các "ông lớn" JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup và Wells Fargo mỗi bên sẽ huy động 5 tỷ USD, và các tổ chức khác cung cấp số tiền nhỏ hơn, cho First Republic - theo một tuyên bố của những người cho vay.
“Hệ thống ngân hàng có tín dụng mạnh, nhiều thanh khoản, vốn mạnh và khả năng sinh lời cao. Các sự kiện gần đây không làm thay đổi điều này", các ngân hàng trên cho biết trong một tuyên bố chung.
First Republic, ngân hàng lớn thứ 14 của Mỹ tính theo tài sản, đã bị rung chuyển bởi sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon sau khi bị khách gửi đột ngột rút 42 tỉ USD chỉ trong một ngày vào cuối tuần trước. Ngân hàng Signature, một tổ chức tài chính ở New York có mối quan hệ sâu sắc với ngành công nghiệp tiền điện tử, cũng đã bị các cơ quan quản lý đóng cửa vào 12/3, hai ngày sau khi SVB bị đóng cửa.
Những lo lắng về bất ổn tài chính đã bùng phát khắp Phố Wall và trong các nhà hoạch định chính sách ở Washington, D.C. trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng thêm nhiều ngân hàng có thể đổ vỡ.
Tuy nhiên, các chỉ số chứng khoán đã tăng vọt sau tin tức về cuộc giải cứu ngân hàng First Republic, trong đó Chỉ số Công nghiệp Dow Jones tăng hơn 300 điểm.
Hơn hai phần ba số tiền gửi trong nước của First Republic vượt quá giới hạn bảo hiểm của FDIC là 250.000 USD (tức là phần lớn tiền gửi của khách hàng không được FDIC bảo hiểm). Sự không chắc chắn của các nhà đầu tư đối với triển vọng của ngân hàng này đã khiến Fitch Ratings hạ xếp hạng tín dụng của Firt Republic Bank vào ngày 15/3.
Theo dữ liệu của S&P Global Market Intelligence, gần 94% tiền gửi trong nước tại Ngân hàng Thung lũng Silicon không được bảo hiểm, và tại Signature là gần 90%.
Người phát ngôn của ngân hàng Firt Republic đã từ chối bình luận khi được Politico liên hệ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Tài chính Yellen đã tìm cách xoa dịu những lo ngại về hệ thống. “Hệ thống ngân hàng của chúng ta vẫn ổn định", bà Yellen phát biểu tại Ủy ban Tài chính Thượng viện ngày 16/3, “Người Mỹ có thể tự tin rằng tiền gửi của họ sẽ sẵn có khi họ cần".
Gói giải cứu được công bố cho Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature đã đảm bảo tất cả các khoản tiền gửi của người cho vay, ngay cả đối với những người không có bảo hiểm. Bên cạnh đó, một cách riêng biệt, FED đã thiết lập một cơ sở để cung cấp các khoản vay tiền mặt cho tất cả các ngân hàng trong tối đa một năm để đổi lấy tài sản thế chấp an toàn, về mặt lý thuyết sẽ cho phép người cho vay xử lý việc rút tiền gửi với bất kỳ số tiền nào.
Những rắc rối của lĩnh vực ngân hàng đã gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trên Đồi Capitol về nguyên nhân gốc rễ. Đảng Cộng hòa đã chỉ trích FED, cơ quan đã tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm ngoái, làm giảm giá trị của trái phiếu và các khoản vay mà các ngân hàng nắm giữ trên bảng cân đối kế toán.
Sau sự sụp đổ của các ngân hàng Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các khoản cho vay dành cho các tổ chức tài chính.
Theo chương trình cho vay tín dụng cơ bản hiện có, các ngân hàng đã vay 148,2 tỷ USD trong tuần kết thúc vào 14/3, dẫn đến khoản dư nợ kỷ lục 152,9 tỷ USD. Ngoài ra, cơ sở mới - Chương trình Cấp vốn có kỳ hạn của ngân hàng - đã nhận được những khoản vay ban đầu trị giá 11,9 tỷ USD.
FED cũng tiết lộ rằng đã có khoản vay trị giá 142,8 tỷ USD được thực hiện cho cái gọi là các "ngân hàng bắc cầu" được thiết lập làm phương tiện vận hành cho Ngân hàng Thung lũng Silicon và Signature, vừa bị phá sản.