Các ngân hàng trung ương châu Á không vội vàng cắt giảm lãi suất theo Fed
Đầu năm nay, hầu hết các quốc gia châu Á đều muốn hạ lãi suất để thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Nhưng các ngân hàng trung ương châu Á rất khó đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất trước Mỹ.
Trong tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản và đưa lãi suất quỹ liên bang xuống phạm vi 4,75%-5% khi cố gắng đưa nền kinh tế hướng tới hạ cánh mềm.
Việc nới lỏng của Fed sẽ mang lại nhiều không gian hơn cho các ngân hàng trung ương châu Á để cắt giảm lãi suất, nhưng hiện tại, các nhà kinh tế cho rằng họ sẽ không vội cắt giảm lãi suất như giai đoạn đầu năm nay.
"Các ngân hàng trung ương châu Á có dư địa để cắt giảm lãi suất, nhưng họ không cần phải cắt giảm…Các ngân hàng trung ương châu Á sẽ theo dõi động thái của Fed và biến động bên ngoài. Vì vậy, họ muốn hành động với tốc độ dần dần hơn", Qian Wang, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Vanguard cho biết.
Các yếu tố bên ngoài có thể gây ra biến động bao gồm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu và 60% thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu ông đắc cử.
Adarsh Sinha, đồng giám đốc chiến lược tỷ giá và ngoại hối châu Á tại BofA Global Research cho biết ông kỳ vọng hầu hết các ngân hàng trung ương khu vực Đông Nam Á sẽ bước vào "chu kỳ cắt giảm khá dần dần".
Trong khi đó, Malaysia có thể một trường hợp ngoại lệ trong số các quốc gia Đông Nam Á. Ông kỳ vọng ngân hàng trung ương Malaysia sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 3% cho đến năm sau do lạm phát và tăng trưởng kinh tế ổn định. "Không có lý do gì để họ phải bắt đầu cắt giảm lãi suất", ông cho biết.
"Sự phục hồi gần đây của đồng ringgit được thúc đẩy bởi sự thay đổi trong kỳ vọng về lãi suất thấp hơn ở các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ cũng như hiệu suất kinh tế mạnh mẽ của Malaysia", theo tuyên bố mà ngân hàng trung ương Malaysia công bố sau cuộc họp vào ngày 5/9.
Ấn Độ là một quốc gia châu Á khác mà "việc cắt giảm lãi suất của Fed có lợi, nhưng nước này ít phụ thuộc vào Fed hơn", Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng châu Á tại HSBC tại Hồng Kông cho biết.
Các nhà kinh tế của HSBC dự kiến ngân hàng trung ương Ấn Độ sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 6,5% vào tháng tới, nhưng giá thực phẩm và dầu thấp hơn có thể dẫn đến việc cắt giảm lãi suất vào tháng 12.
Do tầm quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc đối với khu vực, ngân hàng trung ương Trung Quốc là mối quan tâm hàng đầu của châu Á.
Vào tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự kiến. Trong khi đó, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Yi Gang đã phát biểu tại một sự kiện ở Thượng Hải vào đầu tháng này rằng Trung Quốc phải hành động nhanh chóng để chống lại áp lực giảm phát bằng cách thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Theo các nhà kinh tế, Hàn Quốc đang háo hức bắt đầu hạ lãi suất. Tuy nhiên, ngay cả khi nền kinh tế nước này cũng được cho là đang tuân theo chu kỳ cắt giảm dần dần do nợ hộ gia đình ngày càng trầm trọng hơn. Các nhà hoạch định chính sách của Hàn Quốc lo ngại rằng lãi suất thấp hơn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng trên thị trường bất động sản của nước này và làm trầm trọng thêm nợ hộ gia đình, vì giá nhà ở Seoul và các khu vực xung quanh tiếp tục tăng vọt.
Nhưng "trong bối cảnh Ngân hàng trung ương Hàn Quốc tập trung vào sự ổn định tài chính, chúng tôi dự kiến chỉ có ba lần cắt giảm 25 điểm cơ bản vào cuối năm 2025", Aichi Amemiya, nhà kinh tế của Nomura cho biết.
Không phải tất cả các quốc gia châu Á đều chờ Mỹ bắt đầu chu kỳ nới lỏng trước khi hạ lãi suất. Vào ngày 18/9, một ngày trước khi Fed cắt giảm lãi suất, ngân hàng trung ương Indonesia đã bất ngờ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau hơn ba năm là 25 điểm cơ bản xuống còn 6%.
Vào tháng 8, ngân hàng trung ương New Zealand đã hạ lãi suất 25 điểm cơ bản xuống còn 5,25%. Ngân hàng trung ương Philippines đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống còn 6,25% trong cùng tháng, đánh dấu lần cắt giảm lãi suất đầu tiên trong bốn năm.
Bên cạnh đó, nhà kinh tế Qian Wang kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng từ 1% đến 1,5% vào năm tới, giảm so với mức tăng trưởng dự báo 2% của năm nay. "Vì vậy, trong trường hợp này, tôi không nghĩ Fed thực sự cần phải cắt giảm lãi suất quá mức”, bà cho biết.