Các nghị quyết là cơ sở để triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội

Ngày 14/5, tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 17, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, HĐND tỉnh đã thông qua 14 nghị quyết.

Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu phát biểu khai mạc kỳ họp

Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu phát biểu khai mạc kỳ họp

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân chủ trì kỳ họp. Tham dự kỳ họp có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

Giảm 17 xã, tăng 9 phường

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh đến tầm quan trọng đối với các nội dung mà HĐND thảo luận. Đặc biệt là nghị quyết liên quan đến Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo tờ trình của UBND tỉnh, sau khi sắp xếp, sáp nhập, TP. Huế trực thuộc Trung ương có diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2, quy mô dân số là 1.236.393 người; có 9 ĐVHC cấp huyện, gồm: 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện; có 133 ĐVHC cấp xã, gồm: 78 xã, 48 phường và 7 thị trấn (giảm 17 xã và tăng 9 phường).

Thường trực HĐND tỉnh điều hành kỳ họp

Thường trực HĐND tỉnh điều hành kỳ họp

Thẩm tra nội dung này, Ban Pháp chế - HĐND tỉnh thống nhất với nội dung của Đề án và dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình.

Ban Pháp chế làm rõ một số nội dung về hồ sơ, quy trình, thủ tục lập Đề án đã Bảo đảm quy trình lấy ý kiến cử tri và biểu quyết của HĐND cấp xã, cấp huyện. Cụ thể: Cử tri toàn tỉnh đồng ý đạt tỷ lệ 98,67%; HĐND cấp huyện tán thành chủ trương đạt tỷ lệ 96,21% và HĐND cấp xã tán thành chủ trương đạt tỷ lệ 94,53% trên tổng số đại biểu.

Đối với việc sắp xếp, thành lập các phường thuộc TX. Hương Thủy, TX. Hương Trà, Ban Pháp chế thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh chưa đưa phương án sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp xã, phường thuộc TX. Hương Thủy, TX. Hương Trà để trình HĐND tỉnh cùng với Đề án này.

Cũng liên quan đến việc phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, HĐND đã thông qua Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công

Tại kỳ họp, sau khi thảo luận, HĐND tỉnh cũng đã thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường Quang Trung, TX. Hương Thủy; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương (nguồn thu sử dụng đất, nguồn thu phí tham quan di tích) và nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai năm 2023; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 nguồn vốn ngân sách địa phương (nguồn xổ số kiến thiết, nguồn thu sử dụng đất, vốn tập trung trong nước, nguồn thu phí tham quan di tích) và nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai năm 2023; bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh năm 2024 (đợt 1); quy định nội dung, nhiệm vụ chi duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các Hội có tính chất đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 và một số nội dung quan trọng khác.

 Sau khi sắp xếp, sáp nhập, TP. Huế trực thuộc Trung ương sẽ có diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2, quy mô dân số là 1.236.393 người. Ảnh: Lê Đình Hoàng

Sau khi sắp xếp, sáp nhập, TP. Huế trực thuộc Trung ương sẽ có diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2, quy mô dân số là 1.236.393 người. Ảnh: Lê Đình Hoàng

Theo tờ trình của UBND tỉnh, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021- 2025 đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 111/NQ-HĐND ngày 14/10/2021. Đến nay, qua gần 4 năm thực hiện, đã cơ bản xác định được các dự án triển khai hoàn thành, không còn nhu cầu sử dụng vốn; các dự án có tiến độ chuẩn bị đầu tư chậm, không có khả năng sử dụng hết số vốn trung hạn được giao và một số dự án đang phải đánh giá lại tính khả thi.

Bên cạnh đó, nhằm kịp thời bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm, cấp bách, đảm bảo hoàn thành, đưa vào khai thác ngay trong giai đoạn 2021-2025. Do vậy, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với nguồn thu sử dụng đất, nguồn thu phí tham quan di tích (sự nghiệp xây dựng cơ bản) do cấp tỉnh quản lý với số tiền là 278, 801 tỉ đồng và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai năm 2023 từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương với số tiền 200 tỉ đồng để triển khai thực hiện theo quy định.

 Đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết

Đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết

Đối với việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 nguồn vốn ngân sách địa phương (nguồn xổ số kiến thiết, nguồn thu sử dụng đất, vốn tập trung trong nước, nguồn thu phí tham quan di tích) và nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai năm 2023 .

Tờ trình của UBND tỉnh cũng nêu rõ, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2024, trên cơ sở rà soát tiến độ một số dự án có tiến độ giải ngân chậm và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành các dự án trọng điểm, cấp bách đưa vào sử dụng, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách tỉnh quản lý (bao gồm nguồn xổ số kiến thiết, nguồn thu sử dụng đất, vốn tập trung trong nước và nguồn thu phí tham quan di tích) với số tiền là 225, 281 tỉ đồng và bổ sung nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai năm 2023 từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 với số tiền là 200 tỉ đồng.

Liên quan đến kế hoạch số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024, các đại biểu đã nêu những khó khăn về biên chế viên chức; cần có giải pháp nâng cao, chất lượng đội ngũ nhà giáo. Thường trực HĐND tỉnh đã làm rõ thêm về áp lực tinh giảm biên chế đến năm 2026, trong đó sẽ có giải pháp rà soát biên chế trong ngành giáo dục, để có giải pháp đảm bảo số lượng giáo viên cho các cấp học.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị: "UBND tỉnh cần chỉ đạo, nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế, khẩn trương hoàn thành đề án báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định; rà soát, đánh giá lại các chỉ tiêu đã thực hiện trong những tháng đầu năm 2024, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tíep tục chỉ đạo gỡ khó trong giải phóng mặt bằng, sản xuất kinh doanh; khẩn trương chỉ đạo các ngành tổ chức sản xuất vụ đông xuân, ứng phó với thời tiết cực đoan, rà soát các phương án phòng chống thiên tai, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thành công Festival Huế 2024".

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh cũng đã tiến hành miễn nhiệm chức vụ Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Bạch Chơn Đông, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ; giới thiệu và bầu ông Nguyễn Văn Mạnh, Gíam đốc Sở Nội vụ giữ chức vụ Ủy viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

LÊ THỌ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/cac-nghi-quyet-la-co-so-de-trien-khai-thuc-hien-ke-hoach-kinh-te-xa-hoi-140835.html