Các nghi thức độc đáo tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn
Hôm nay (ngày 23/9, tức ngày 9/8 âm lịch), lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn được tổ chức. Ngoài phần hội chính là các kháp đấu, các nghi lễ sẽ được thực hiện cầu kì, trang trọng trong các ngày từ mồng 1 đến ngày 16/8 âm lịch.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn hay còn gọi là đấu ngưu diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hằng năm. Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Việt Nam từ năm 2013.
Có người cho rằng, lễ hội chọi trâu gắn với huyền tích Bà Đế gắn với tục "hiến sinh" xưa kia. Nhưng cũng có truyền thuyết kể về 1 đêm tháng 8 âm lịch, dân miền biển Đồ Sơn thấy một tiên ông đang say sưa ngắm 2 chú trâu chọi nhau trên những con sóng bạc.
Từ đó, người dân nơi đây tổ chức lễ hội chọi trâu cầu cho sóng yên, biển lặng, nghề chài lưới bội thu, người người được thịnh vượng, hạnh phúc.
Từ lâu, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nổi tiếng bởi những kháp đấu nảy lửa giữa các "ông trâu". Tuy vậy, không nhiều người biết rằng lễ hội này còn có nhiều phần nghi lễ trang trọng, mang nét đặc trưng của người dân cửa biển Đồ Sơn.
Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho hay: Theo tập quán của địa phương thì các trâu tham gia chọi sẽ thực hiện các nghi lễ gồm: Lễ thượng cờ khai hội được thực hiện vào ngày 1/8 âm lịch; Lễ rước nước và lễ mộc dục diễn ra vào ngày 7/8.
Lễ trình trâu diễn ra vào ngày 8/8 tại các đình các phường để trình diện Thành hoàng làng, thực hiện nghi lễ tế thần.
Tối 8/8, các chủ trâu, các phường sẽ thực hiện nghi lễ cúng sân sới. Ngày 9/8. sẽ diễn ra phần hội chính với các kháp đấu để tìm ra "ông trâu" vô địch.
Ngày 10/8 là lễ tạ thần linh hay còn gọi là lễ hiến sinh tại các phường có trâu vô địch và đạt giải nhì, giải ba. Nghi thức cuối cùng trong lễ hội chọi trâu là lễ tống thần sẽ diễn ra vào ngày 16/8.
Nghi lễ thượng cờ khai hội là nghi lễ mở đầu cho vòng chung kết lễ hội Chọi trâu truyền thống Đồ Sơn với mong muốn một mùa lễ hội có thời tiết thuận hòa, các kháp đấu diễn ra an toàn, sôi nổi, hấp dẫn.
UBND quận Đồ Sơn tổ chức dâng hương, thượng cờ tại đền Nghè và đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương thuộc phường Vạn Hương. Các đình làng - nơi có trâu chọi cũng đồng loạt tổ chức nghi lễ dâng hương thượng cờ khai hội.
Lễ rước nước trong Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn diễn ra trang trọng, với các nghi lễ như: diễn văn khai lễ, khởi trống, trình lễ của Ban tổ chức và dâng lễ của nhân dân và chủ trâu.
Sau lễ khai mạc là nghi thức rước nước, đoàn rước nước của 6 phường trên địa bàn quận Đồ Sơn với long đình, bát biểu, trống chiêng cờ hội xin nước từ nguồn nước linh thiêng, tinh khiết tại đền Nghè, nước được đựng trong bình gốm, đặt lên kiệu và được trai tráng khiêng về làm lễ tại đình các phường.
Trước khi diễn ra hội chọi trâu, lễ trình trâu là một trong những nghi lễ không thể thiếu tại lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn. Việc đưa trâu đến trình Thành hoàng làng ngoài yếu tố tâm linh thì còn là hình thức để trâu làm quen với môi trường đông người, với tiếng trống, chiêng và mùi hương khói, tiếp xúc với màu sắc của cờ hội.
Sau lễ trình trâu, các trâu tham gia hội được người dân gọi là "ông trâu". Tối 8/8 các chủ trâu và các phường sẽ thực hiện nghi lễ cúng sân tại sân vận động quận Đồ Sơn.
Ngày 10/8, lễ hiến sinh sẽ được tổ chức tại các phường có trâu vô địch và đạt giải nhì, giải ba. Tại đây, người ta lấy một bát tiết cùng một ít lông của trâu (huyết, mao) để cúng thần, sau đó đổ xuống biển để tiễn Thành Hoàng làng của mình.
Trâu đã tham gia chọi là phải chấp nhận cái chết, ngay cả đối với con trâu thắng cuộc.
Theo đó, trâu chọi thua sẽ bị giết mổ ngay tại sân thi đấu để phục vụ khách du lịch. Trâu nhì, ba, vô địch sau khi làm lễ báo công tại phường xong cũng bị giết để khao dân làng.
Ông Phạm Hoàng Tuấn thông tin thêm, lễ hiến sinh được thực hiện từ 5h sáng, chủ trâu thực hiện các nghi thức hiến sinh, đầu trâu vô địch, cũng như trâu có giải sẽ được các vị cao niên tại địa phương thực hiện làm sạch đầu trâu và phủ vải đỏ, thanh niên trai tráng trong phường dùng kiệu rước về đình làng làm lễ tạ ơn.
Cuối cùng là lễ tống thần, tại các đình làng tổ chức cúng, tiễn các thần linh sau một mùa lễ hội thành công và khép lại lễ hội chọi trâu.
Trước thời điểm thượng cờ khai hội cho đến khi lễ hội kết thúc, những thành viên tham gia công tác điều hành, tổ chức lễ hội trên phải kiêng tránh một số điều sau:
Không gần gũi phụ nữ, không tham gia các đám hiếu, khoán tẩy trước khi hành lễ.
Phụ nữ không được vào trong đình làng. Những phụ nữ mang thai không được đến những điểm chăn thả, chăm sóc, huấn luyện trâu.
Người đang có tang sự không được tham gia bất kì hoạt động nào trong lễ hội chọi trâu, phải kiêng kị hết 3 năm mới được đứng đăng kí tên chủ trâu hoặc tham gia huấn luyện trâu.