Các Ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan gặp nhau tại Thụy Sỹ: Cuộc gặp hòa giải?
Ngày 2/10, Bộ Ngoại giao Armenia thông báo, Ngoại trưởng nước này Ararat Mirzoyan và người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov đã bắt đầu cuộc đàm phán vào tối cùng ngày ở Geneva (Thụy Sỹ).
Theo truyền thông Azerbaijan, Ngoại trưởng nước này Bayramov nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung nỗ lực vào việc bình thường hóa quan hệ với Armenia và ký kết hiệp ước hòa bình trong thời kỳ hậu xung đột dựa trên các nguyên tắc mà Baku đã đề xuất.
Trong cuộc họp, phía Azerbaijan cũng đề xuất tổ chức cuộc họp tiếp theo của các ủy ban song phương về phân định biên giới vào tháng này, thay vì tháng 11 như đã thỏa thuận trước đó.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Azerbaijan nhấn mạnh lại cam kết của Baku trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như sẵn sàng ký hiệp ước hòa bình.
Trước đó, hôm 30/9, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan thông báo, Ngoại trưởng hai nước sẽ bắt đầu thảo luận về văn bản của một hiệp ước hòa bình.
Theo ông Pashinyan, “đến thời điểm hiện tại, trên bàn đàm phán vẫn chưa có bất kỳ văn kiện nào nhưng nội dung chính của thỏa thuận hòa bình chắc chắn phải có sự công nhận toàn vẹn lãnh thổ lẫn nhau của Armenia và Azerbaijan”.
Đêm 13/9, Bộ Quốc phòng Armenia cáo buộc Azerbaijan pháo kích vào các khu định cư của Armenia. Trong khi đó Azerbaijan nói rằng, đây là hành động đáp trả khiêu khích từ phía Armenia.
Azerbaijan sau đó tuyên bố đã đạt được các thỏa thuận về ngừng bắn, nhưng Armenia thông báo các cuộc pháo kích vẫn tiếp diễn.
Hội đồng An ninh Armenia đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp, quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nga để sử dụng các điều khoản của Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác và tương trợ, cũng như trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Căng thẳng giữa hai bên liên quan tranh chấp nhiều thập kỷ qua về quyền kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh.
Nagorno-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia. Vấn đề này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước láng giềng, đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988-5/1994.