Các nhà bán lẻ Nhật Bản đặt mục tiêu lớn tại Việt Nam
Theo trang Vietnam-Briefing, trong bối cảnh nhiều nhà bán lẻ hoạt động khó khăn do nền kinh tế thế giới nhiều bất ổn, các hãng bán lẻ Nhật Bản vẫn đang mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam.
Theo một khảo sát gần đây của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), 60% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại đây trong vòng một đến hai năm tới. Chiến lược này được đặt ra dù sức mua hiện tại chưa cao và nhiều trung tâm mua sắm không đông khách như trước.
Đà mở rộng của các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam
Về mảng trung tâm mua sắm, tập đoàn Aeon đang đẩy nhanh việc mở thêm các trung tâm thương mại, siêu thị tại Việt Nam. Dự định đến năm 2025, Aeon sẽ tăng gấp ba số lượng trung tâm thương mại trên cả nước. Để củng cố lợi thế so với các đối thủ trong và ngoài nước khác, Aeon cũng đang tìm kiếm thêm thị phần ở khu vực miền Trung với trung tâm thương mại đầu tiên tại Huế vào năm 2024.
Về siêu thị và cửa hàng tiện ích, BRG Retail đang phối hợp với Tập đoàn Sumitomo mở rộng chuỗi siêu thị mang thương hiệu FujiMart. Họ dự kiến sẽ có khoảng 50 cửa hàng tại các thành phố lớn vào năm 2028. Takashimaya, Family Mart, MiniStop và 7-Eleven cũng đang mở rộng quy mô.
Về giày dép và may mặc, Uniqlo vừa thông báo sẽ mở cửa hàng thứ 17 tại TP.Hồ Chí Minh vào cuối năm nay. Việc khai trương thêm một cửa hàng bán lẻ tái khẳng định cam kết kinh doanh lâu dài của thương hiệu Nhật Bản này tại Việt Nam.
MUJI Việt Nam cũng cho biết họ sẽ mở thêm cửa hàng tại Hà Nội vào quý 2 năm 2023 ngoài 5 cửa hàng hiện có tại đây và TP. Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, MUJI đã thích nghi với thị trường bán lẻ Việt Nam khi mở các cửa hàng có diện tích trung bình khoảng 2.000 m2, gần gấp đôi so với các cửa hàng tại Nhật Bản.
Động lực thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản
Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh. GDP của Việt Nam năm 2022 tăng 8,02% - mức tăng hàng năm cao nhất trong mười năm qua. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng 19,8%, một con số tích cực trong bối cảnh áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế toàn cầu. Đây là một xu hướng đầy hứa hẹn và là một phần lý do tại sao các thương hiệu Nhật Bản đang tiếp tục mở rộng. Bằng cách chuẩn bị sớm, họ có thể có lợi thế của người đi đầu.
Thêm vào đó, hàng hóa Nhật Bản được đánh giá cao tại Việt Nam. Sự thành công của những tên tuổi lớn như Honda, Sony, Panasonic tại Việt Nam trong những năm 2000 đã để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với người tiêu dùng. Chất lượng hàng hóa Nhật Bản được người tiêu dùng Việt Nam đánh giá là cao và đáng tiền. Do đó, người Việt Nam thường ưu tiên hàng Nhật khi muốn những món đồ chất lượng tốt, bền lâu.
Điều này lý giải vì sao các hãng Nhật Bản vẫn có chỗ đứng dù có giá bán cao hơn nhiều đối thủ. Đơn cử như việc AEON có mặt tại thị trường Việt Nam chỉ sau 12 năm đã lọt vào top 10 Công ty bán lẻ uy tín nhất Việt Nam năm 2022. Trong bối cảnh ảm đạm của nhiều trung tâm thương mại như Vincom, Mipec Tower, Discovery hiện nay thì AEON Malls vẫn đang hoạt động tốt.
Hơn nữa, đại dịch Covid-19 cũng đã khiến mọi người quan tâm hơn đến sức khỏe của họ và thúc đẩy họ tìm kiếm những thực phẩm lành mạnh hơn. Và, theo Source of Asia, các hộ gia đình trung lưu của Việt Nam sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm này. Vì vậy, đây là một xu hướng có lợi cho các chuỗi siêu thị Nhật Bản vì vốn được biết đến với các sản phẩm chất lượng cao.
Một yếu tố nữa là các nhà bán lẻ Nhật Bản hoạt động trong một thị trường ngách độc đáo. Thay vì nhắm đến đa dạng khách hàng, các thương hiệu Nhật Bản có xu hướng tập trung vào tầng lớp trung lưu. Theo Vietnam-Briefing, ước tính có tới 36 triệu người Việt Nam có thể chuyển sang tầng lớp tiêu dùng trong thập kỷ tới. Con số này khiến tầng lớp trung lưu trở thành một thị trường tiêu dùng quan trọng ở Việt Nam. Với thu nhập khả dụng ngày càng tăng và mong muốn có trải nghiệm mua sắm hấp dẫn hơn, tầng lớp này đang chuyển dịch từ bán lẻ truyền thống với các quầy hàng nhỏ ven đường sang các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi hiện đại hơn.
MUJI là một ví dụ rõ ràng cho luận điểm này. Họ đã tìm ra thị trường ngách với nhóm đối tượng tiềm ẩn: sinh viên và nhân viên văn phòng có tiềm lực tài chính và là tín đồ cuồng nhiệt của chủ nghĩa tối giản.
Hơn nữa, tầng lớp trung lưu cũng chịu ảnh hưởng ít hơn của sự biến động kinh tế. Người tiêu dùng trung lưu có thu nhập đủ cao để trang trải các nhu cầu thiết yếu hàng ngày và vẫn còn đủ để chi tiêu cho các nhu cầu khác.
Một yếu tố nữa là chính phủ Việt Nam đang có nhiều chính sách tạo thuận lợi kinh doanh và các hiệp định thương mại tự do cũng đang mở ra nhiều cơ hội. Là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam có kế hoạch dỡ bỏ hạn chế đầu tư nước ngoài trong một loạt lĩnh vực, sớm nhất là vào năm 2024.
CPTPP cũng áp dụng mức thuế thấp hơn và đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu, tạo ra nhiều lợi thế hơn cho các sản phẩm và dịch vụ của Nhật Bản. Điều này sẽ tạo thêm dư địa cho các nhà bán lẻ Nhật Bản mở rộng tại thị trường Việt Nam trong dài hạn.
Hiện tại, việc mở rộng thị trường Việt Nam có thể mang lại cho các công ty bán lẻ Nhật Bản lợi thế của người đi đầu. Tuy nhiên, lợi thế này có thể không kéo dài quá lâu khi các công ty bán lẻ trong nước và nước ngoài khác điều chỉnh hoạt động để theo bước chân của các công ty Nhật Bản.