Các nhà đầu tư ngoại đang cẩn trọng rót vốn tại Việt Nam
Hiện nay, có những dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng và kỹ lưỡng hơn trong quá trình xem xét việc tiếp tục đầu tư, ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
FDI tăng mạnh
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu tháng 1/2018 đến hết ngày 20/4/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt khoảng 180 tỷ USD.
Nếu so với thời kỳ Việt Nam bắt đầu mở cửa, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong 5 năm qua, bằng 40,3% tổng vốn lũy kế trong hơn 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Các chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, không ngừng được cải thiện, có thể nói Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định: Khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài đã đóng góp quan trọng vào giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp nhờ các tập đoàn kinh tế quốc tế đầu tư nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, thành lập hàng chục trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm công nghệ, liên kết thành công với doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa…
“Điểm mặt” các dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong 5 năm qua, có thể thấy rất nhiều “ông lớn” công nghệ của thế giới, như Samsung, Apple, Intel, LG... đã tới Việt Nam, điều này chứng minh rằng, tập đoàn công nghệ đang dần biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của họ.
LG cũng là một ví dụ điển hình. Hiện nay, tổng vốn đầu tư của LG tại Việt Nam đã lên tới 7,5 tỷ USD. Trong vòng 5 năm qua, LG đã không ngừng tăng vốn đầu tư vào các nhà máy như LG Display, LG Innotek, và LG Electronics…
Trong khi đó, Foxconn, Pegatron, Winston, rồi Goertek, Amkor… đã liên tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam, không phải là 300 - 500 triệu USD, mà bao gồm cả các cam kết tỷ USD. Ngay cả Intel, sau khi tăng vốn thêm 475 triệu USD vào đầu năm 2021, cũng đã lên kế hoạch đầu tư giai đoạn II, với quy mô hàng tỷ USD.
Không hoàn toàn “màu hồng”
Tuy nhiên, việc thu hút vốn FDI không hoàn toàn “trải hoa hồng”. Đơn cử, thế giới vẫn đang tiếp tục đối mặt với những rất nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Trên toàn cầu, tăng trưởng thấp.
Các nền kinh tế vẫn tiếp tục được cảnh báo đối diện nguy cơ suy thoái và tổng cầu cũng đang giảm rất nhanh. Xung đột Nga - Ukraine còn phức tạp và kéo dài. Thị trường tài chính, nợ công, thiên tai, biến đổi khí hậu… tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bối cảnh này đã ảnh hưởng lớn đến dòng vốn đầu tư toàn cầu, trong đó có Việt Nam, cộng thêm nhiều vấn đề phát sinh như từ năm 2024 dự kiến áp dụng thuế xuất tối thiểu toàn cầu 15%... nên đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng đang trong xu hướng chung là có sự chậm lại.
“Gần đây, chúng tôi nhận thấy có những dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng hơn và kỹ lưỡng hơn trong quá trình xem xét việc tiếp tục đầu tư, ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói.
Trong bối cảnh các chính sách và những biến động mới đã xuất hiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 4 tháng đầu năm 2023, các dự án vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư mới vào Việt Nam chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung thông tin, gần đây, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thường xuyên gặp gỡ với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hiệp hội nước ngoài. Gần đây nhất, tại lễ ra mắt Hiệp hội Thương mại của Tây Ban Nha, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tranh thủ trao đổi, gặp gỡ và thảo luận với rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài đến từ các châu lục khác nhau ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ…
“Nhìn chung, họ đều bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Và vượt qua những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kinh tế Việt Nam tiếp tục có sự phục hồi và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.
Cụ thể như năm 2022, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế cao với trên 8,02% và được quốc tế đánh giá là một trong những điểm sáng. Và trong cả 3 năm đại dịch, chúng ta tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao cho nền kinh tế. Với những kết quả này, vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng đã có những mức độ tiến bộ đáng kể.
Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao triển vọng, tính ổn định, khả năng phát triển cũng như tiếp tục nâng hạng tín nhiệm và dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá cao về điểm đến đầu tư Việt Nam. Các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, khi trả lời câu hỏi khảo sát của JETRO, có đến 60% cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Tỷ lệ này là cao nhất trong khối ASEAN.
Hay các nhà đầu tư châu Âu, họ xếp Việt Nam trong top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu. Theo khảo sát của EuroCham, có tới 41% số doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ đang chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới, Việt Nam đã tăng 12 bậc, đứng thứ 65/137 quốc gia.
“Như vậy, Việt Nam đã và vẫn luôn là một điểm đến an toàn và hấp dẫn. Tuy nhiên, theo báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), cạnh tranh giữa các nước đang phát triển trong thu hút đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra quyết liệt, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài được dự báo giảm trong năm 2023, trong khi nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau Covid-19 tăng cao”, ông Trung nói.