Các nhà giáo hiện thực hóa ý tưởng thành đồ dùng dạy học thông minh
Tại chung khảo Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2023, Ban giám khảo đặc biệt ấn tượng với các nhà giáo góp nhiều công sức trong việc tạo nên những đồ dùng dạy học hiện đại, thông minh, thân thiện môi trường với giá thành chỉ bằng 1/10 thị trường.
Biến trăn trở thành hiện thực
Từ khi mới ra trường đến lúc được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Sở (huyện Hoài Đức), cô Nguyễn Thị Thu Hà vẫn luôn khao khát các học sinh nông thôn quê mình được thụ hưởng nền giáo dục hiện đại, ứng dụng phương pháp tiên tiến. Muốn vậy, các lớp học phải được trang bị bộ đồ dùng cao cấp, phù hợp. Bằng cách sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước, kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng và Nhân dân, 100% lớp học trong trường đã có giá gỗ cao cấp.
Giá đựng đồ thì đẹp, bền chắc nhưng do điều kiện khó khăn nên đồ chơi khi đó đa số được làm bằng các nguyên vật liệu phế thải, rẻ tiền, mau hỏng, đơn điệu, nhàm chán. Điều này làm cô Hà rất trăn trở và luôn nung nấu cách thức giải quyết. Tuy nhiên, các bộ giáo cụ bằng gỗ ứng dụng theo phương pháp Montessori có giá thành rất cao, từ 1-2 triệu/1 bộ; ngân sách eo hẹp, rất khó khăn về kinh phí để trang bị cho các con.
“Sau thời gian dài trăn trở, tôi kết nối với nghề mộc truyền thống của địa phương, trong đó, nhiều phụ huynh ở lớp, ở trường tôi cũng làm nghề mộc. Nghĩ là phải làm ngay, qua một số người bạn mở trường tư thục, tôi đến xin chụp ảnh, đo kích thước và mượn mẫu đồ chơi, đồ dùng mang về nhờ phụ huynh đóng giúp”, cô Hà kể lại.
Thêm những ngày tháng đồng hành cùng phụ huynh gia công và chỉnh sửa, cuối cùng Trường Mầm non Yên Sở đã có 30 bộ đồ chơi làm bằng gỗ tự nhiên, được sao chép từ các bộ giáo cụ của Montessori.
“Niềm vui của tôi lúc đó không thể diễn tả bằng lời. Để hoàn thành các bộ đồ chơi làm bằng gỗ tự nhiên đẹp, bền, chắc như vậy, nhà trường chỉ phải bỏ một chút tiền công, không mất tiền nguyên liệu vì được phụ huynh ủng hộ. Do vậy, giá thành tiết kiệm được hơn 1/10 so với bộ đồ tương tự ngoài thị trường. Nhìn các con say mê, vui sướng chơi các bộ đồ chơi mới, lòng tôi ngập tràn hạnh phúc”, cô Hà nhớ lại.
Bên cạnh đó, để có đa dạng các loại đồ dùng, đồ chơi khác nhau, liên tục thay đổi để các con không cảm thấy nhàm chán, cô Hà còn hướng dẫn giáo viên tự tạo các bộ đồ chơi, bằng các nguyên liệu bền và đẹp hơn như khâu tay bằng dạ, nỉ, trên phóc mếch... hoặc thiết kế trên canva in ép, lựa chọn màu sắc hài hòa, tạo ra các bộ đồ chơi độc đáo, đẹp mắt.
Ngoài ra, cô cũng khai thác thế mạnh của địa phương, đó là có rất nhiều tre, gỗ, cành cây khô, lá khô… Từ đây, cô thiết kế giá đồ chơi, vách ngăn để tạo khu vui chơi cho trẻ với các nguyên vật liệu rời từ thiên nhiên. Cô còn hướng dẫn giáo viên đi xin các cành cây khô, nhờ phụ huynh cắt thành các mảnh gỗ có kích thước dài ngắn, to nhỏ khác nhau; sưu tầm thêm sỏi, đá, các loại quả khô… để tạo không gian cho trẻ được vui chơi trải nghiệm.
Nhiều giá trị từ tinh thần sáng tạo
Luôn muốn trẻ có môi trường hoạt động tốt nhất để phát huy năng lực, cô Đinh Thị Út, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Cổ Đô (huyện Ba Vì) cũng say mê sáng tạo và dành nhiều tâm huyết cho việc thực hiện mô hình “Làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo từ nguyên vật liệu thiên nhiên” cho trẻ.
Còn nhớ, năm học 2022 – 2023, Trường mầm non Cổ Đô được xây dựng điểm trường mới với diện tích 10.000m2. Với điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, cô Út lập tức bắt tay vào nghiên cứu các tài liệu về làm đồ dùng đồ chơi tự tạo, căn cứ vào nguồn lực của nhà trường và các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương. Rút kinh nghiệm của những người đi trước, cô lập danh mục cần làm theo nhu cầu, phác thảo từng sản phẩm có kích thước cụ thể, phù hợp với từng độ tuổi, từng mục đích sử dụng.
Để tránh sản phẩm lỗi, mỗi danh mục sẽ được tiến hành làm sản phẩm mẫu dựa trên thiết kế đã được phác thảo, theo đúng quy định; các sản phẩm mẫu được hoàn thiện và chia về các nhóm để nhân rộng sản phẩm. Kết quả thu được sau thực hiện mô hình, đó là các bộ đồ dùng như khay gỗ, bàn chân thấp, đồ chơi âm nhạc, hộp đựng bút, giá để tranh nhỏ, bảng tuyên truyền…cùng các bộ đồ chơi học tập đã được hoàn thành đảm bảo số lượng, chất lượng, hiệu quả về kinh tế, tiết kiệm thời gian, sức lao động, chi phí. Hơn cả, mô hình còn mang lại hiệu quả xã hội cao khi giúp gắn kết mối quan hệ giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp; gia đình và nhà trường; trẻ với trẻ; trẻ với thiên nhiên, bảo vệ môi trường xanh- sạch- đẹp.
Nhận thấy trẻ mầm non có đặc điểm thích tìm tòi, khám phá, chụp lại những sự vật, hiện tượng xung quanh cùng việc các con được tiếp xúc các thiết bị công nghệ hiện đại, cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên Trường Mầm non Tân Lập (huyện Đan Phượng) đã nghiên cứu trên mạng internet, sách báo và tìm cách tái chế giấy phế liệu, mica dẻo đã qua sử dụng vào các hoạt động cho trẻ một cách an toàn, hiệu quả, phát huy tính sáng tạo của trẻ.
Giấy phế liệu cô sử dụng bao gồm giấy báo cũ, khay giấy đựng trứng, khay giấy bảo quản một số thiết bị điện tử, thiết bị an ninh để làm một số dự án Steam: Làm “Hỗn hợp bột giấy mịn” tạo ra những đồ dùng, đồ chơi gần gũi, an toàn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí; làm “Lăng kính chiếu 3D từ mica dẻo” và ứng dụng công nghệ thông tin cho trẻ thử nghiệm lăng kính mình làm ra... Với phương pháp dạy trực quan đầy sáng tạo của mình, cô Nga đã mang đến những giờ học thú vị và hào hứng cho học trò.
Bằng sự sáng tạo không giới hạn cùng tinh thần nhiệt huyết, các giáo viên đã khắc phục điều kiện khó khăn của địa phương, cùng góp sức, chung tay tạo nên môi trường sư phạm đủ đầy, an toàn, sạch đẹp, đảm bảo mỹ quan và học sinh là đối tượng trực tiếp được thụ hưởng. Đáng quý hơn, những ý tưởng, mô hình của các cô đã được chia sẻ, lan tỏa đến nhiều trường học khác quanh khu vực để cùng nhau phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.