Các nhà khai thác dầu khí ở Biển Bắc 'kêu trời' về chính sách thuế của Anh
Các công ty khai thác dầu ở Biển Bắc cho biết, quyết định tăng thuế lợi nhuận đối với các nhà khai thác dầu khí để tài trợ việc phát triển năng lượng tái tạo của Vương quốc Anh, sẽ làm giảm doanh thu và sản lượng của các khu vực khai thác dầu mỏ đã hoạt động một thời gian dài.
Đầu tuần này, Chính phủ mới của Đảng Lao động ở Anh công bố họ sẽ tăng thuế lợi nhuận dầu khí (EPL) từ 3% lên 38% bắt đầu từ ngày 1/11/2024, nâng tỷ lệ thuế chính thức đối với các hoạt động dầu khí lên 78%, thuộc hàng cao nhất thế giới.
Họ cũng sẽ bãi bỏ khoản trợ cấp đầu tư 29% của thuế này, cho phép các công ty khấu trừ thuế từ vốn tái đầu tư. Thời gian hiệu lực của thuế này cũng được gia hạn đến tháng 3/2030.
Người phát ngôn của Bộ Tài chính nói với phóng viên báo Reuters rằng: “Các biện pháp này sẽ đảm bảo các công ty dầu khí đóng góp nhiều hơn vào quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của chúng ta”. Chính phủ đã thành lập công ty điện lực GB Energy do nhà nước hậu thuẫn để giúp tăng mạnh công suất năng lượng tái tạo và khử carbon trong ngành điện vào năm 2030.
Giám đốc điều hành của nhà khai thác dầu Viaro Energy của Anh Francesco Mazzagatti cho biết đề xuất mới này không có lợi cho mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0).
Ông Mazzagatti nói thêm: “Các báo cáo của ngành chứng minh sự phụ thuộc vào dầu khí sẽ vẫn cần thiết trong nhiều thập kỷ tới, và việc nhập khẩu gây ra nhiều khí thải hơn so với nguồn cung trong nước”.
Công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết thuế EPL có thể tăng 1,2 tỷ bảng Anh/năm (1,54 tỷ USD/năm), tăng 6 tỷ bảng Anh/năm trong nhiệm kỳ Quốc hội tới, nhưng nó cũng sẽ dẫn đến "các khoản đầu tư bị chậm lại" trong ngành.
Giám đốc điều hành công ty cho biết chính sách này sẽ làm giảm vốn đầu tư vào khu vực khai thác dầu ở Biển Bắc.
Giám đốc điều hành của công ty khai thác Serica Energy ở Biển Bắc David Latin nói với phóng viên tờ Reuters: “Tôi hy vọng Chính phủ làm điều gì đó hợp lý thay vì gây thiệt hại lớn cho ngành công nghiệp khai thác dầu khí ở Biển Bắc”.
Thuế lợi nhuận 25% được áp dụng vào năm 2022 sau khi giá dầu tăng vọt từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Sau đó nó đã được nâng lên 35%.
Khoản thuế lợi nhuận này đã lấy hầu hết lợi nhuận của các nhà khai thác vào năm ngoái. Các nhà khai thác, bao gồm Serica, Ithaca Energy và Harbor Energy, nhà khai thác lớn nhất lưu vực, cũng đang tìm cách chuyển hoạt động ra nước ngoài.
Theo cơ quan quản lý dầu khí của Anh -North Sea Transition Authority (NSTA), sản lượng dầu ở Biển Bắc ở mức khoảng 1,3 triệu thùng dầu tương đương/ngày (BOE/D). Con số này giảm từ khoảng 4,4 triệu BOE/D vào khoảng vào đầu thế kỷ XXI. NSTA cho biết sản lượng được dự đoán sẽ giảm xuống dưới 200.000 BOE/D vào năm 2050.
Ông Mazzagatti cho biết thêm, chính sách mới của Chính phủ sẽ làm tăng sự phụ thuộc của Anh vào việc nhập khẩu dầu và khí đốt.
Ông Mazzagatti tuyên bố: “Sớm hay muộn, Chính phủ buộc phải giải quyết vấn đề an ninh dầu khí của Vương quốc Anh, vì dường như Chính phủ không tính đến những rủi ro dầu khí mà họ đang khiến đất nước gặp phải”.
Hôm thứ Ba (30/7), Công ty Dầu khí Viaro Energy tuyên bố sẽ mua các mỏ dầu ở phía nam Biển Bắc thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Shell của Anh và Exxon Mobil của Hoa Kỳ.
Giám đốc điều hành Shell Wael Sawan cho biết sự ổn định tài chính là rất quan trọng để Chính phủ thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng.
Người đứng đầu tập đoàn công nghiệp Offshore Energies UK David Whitehouse đã chỉ trích Chính phủ vì đã không tham khảo ý kiến của những doanh nghiệp trong ngành này trước khi đưa ra thông báo.
Ông nói: “Đây không phải là sự hợp tác giữa Chính phủ và ngành công nghiệp. Dẫn đến việc những quyết định này có thể không phản ánh đầy đủ nhu cầu và quan ngại của ngành”.