Các nhà khoa học cảnh báo lỗ thủng tầng ozone đang mở rộng
Sự phục hồi của tầng ozone – nằm cách Trái đất hàng dặm có chức năng bảo vệ hành tinh khỏi bức xạ cực tím – đã được tôn vinh là một trong những thành tựu môi trường vĩ đại nhất của thế giới.
Nhưng trong một nghiên cứu mới được công bố hôm 21-11, một số nhà khoa học cho rằng nó có thể không phục hồi được chút nào và lỗ thủng này thậm chí có thể ngày càng mở rộng.
Những phát hiện này mâu thuẫn với những đánh giá được chấp nhận rộng rãi về tình trạng của tầng ozone, bao gồm cả một nghiên cứu gần đây do Liên hợp quốc hậu thuẫn cho thấy nó sẽ trở lại mức của những năm 1980 ngay sau năm 2040.
Năm 1987, một số quốc gia đã đồng ý cấm hoặc giảm dần việc sử dụng hơn 100 loại hóa chất làm suy giảm tầng ozone vốn gây ra một “lỗ hổng” ở tầng ozone phía trên Nam Cực. Sự suy giảm chủ yếu là do việc sử dụng chlorofluorocarbons, hay CFC, thường thấy trong thuốc xịt khí dung, dung môi và chất làm lạnh.
Lệnh cấm đó, được thống nhất theo nghị định thư Montreal, được coi là có hiệu quả trong việc hỗ trợ phục hồi tầng ozone.
Nhưng hiện nay, lỗ hổng này phát triển ở Nam Cực vào mùa xuân trước khi thu nhỏ lại vào mùa hè, đạt kích thước kỷ lục vào năm 2020 đến 2022, khiến các nhà khoa học ở New Zealand phải điều tra lý do.
Trong một bài báo do Nature Communications xuất bản, họ phát hiện ra rằng nồng độ ozone đã giảm 26% kể từ năm 2004 tại lõi của lỗ hổng ở Nam Cực vào mùa xuân.
“Điều này có nghĩa là cái hố không chỉ có diện tích lớn mà còn trở nên sâu hơn tức là có ít ozone hơn trong hầu hết mùa xuân ở Nam Cực” - Hannah Kessenich, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Otago và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
“Các lỗ thủng tầng ozone tồn tại đặc biệt lâu dài trong giai đoạn 2020-2022 hoàn toàn phù hợp với bức tranh này, vì kích thước/độ sâu của lỗ trong tháng 10 đặc biệt đáng chú ý trong cả ba năm”.
Để đi đến kết luận đó, các nhà khoa học đã phân tích hoạt động của tầng ozone từ tháng 9 đến tháng 11 bằng thiết bị vệ tinh. Họ đã sử dụng dữ liệu lịch sử để so sánh hành vi đó và sự thay đổi nồng độ ozone, đồng thời đo lường các dấu hiệu phục hồi ozone. Sau đó, họ tìm cách xác định điều gì đã thúc đẩy những thay đổi này.
Họ phát hiện ra rằng sự suy giảm tầng ozone và khiến lỗ hổng sâu hơn là kết quả của những thay đổi trong xoáy cực Nam Cực, một vòng xoáy rộng lớn của áp suất thấp và không khí rất lạnh ở trên cao phía trên Nam Cực.
Các tác giả của nghiên cứu đã không đi sâu hơn để khám phá nguyên nhân gây ra những thay đổi đó, nhưng họ thừa nhận rằng nhiều yếu tố cũng có thể góp phần làm suy giảm tầng ozone, bao gồm cả ô nhiễm do hành tinh nóng lên; các hạt nhỏ trong không khí phát ra từ cháy rừng và núi lửa; và những thay đổi trong chu kỳ mặt trời.
Kessenich cho biết: “Nhìn chung, những phát hiện của chúng tôi cho thấy các lỗ thủng tầng ozone lớn gần đây có thể không chỉ do CFC gây ra. Vì vậy, trong khi nghị định thư Montreal đã thành công không thể chối cãi trong việc giảm CFC theo thời gian và ngăn chặn thảm họa môi trường, thì các lỗ thủng vùng Nam Cực tồn tại dai dẳng gần đây dường như có mối liên hệ chặt chẽ với những thay đổi trong động lực học khí quyển”.
Một số nhà khoa học tỏ ra nghi ngờ về kết quả nghiên cứu, vốn chủ yếu dựa vào các lỗ hổng được quan sát từ năm 2020 đến năm 2022 và sử dụng khoảng thời gian ngắn - 19 năm - để đưa ra kết luận về tình trạng lâu dài của tầng ozone.
“Các tài liệu hiện có đã tìm ra nguyên nhân gây ra những lỗ thủng tầng ozone lớn này: Khói từ vụ cháy rừng năm 2019 và vụ phun trào núi lửa (La Soufriere), cũng như mối quan hệ chung giữa tầng bình lưu vùng cực và dao động Nam El Ninõ” - Martin Jucker, một nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Đại học New South Wales ở Úc, nói với trung tâm truyền thông khoa học.
“Chúng ta biết rằng trong những năm La Ninã, xoáy cực trong tầng bình lưu có xu hướng mạnh hơn và lạnh hơn bình thường, điều đó có nghĩa là nồng độ ozone cũng sẽ thấp hơn trong những năm đó. Những năm 2020-22 đã chứng kiến bộ ba La Ninã hiếm hoi, nhưng mối quan hệ này chưa bao giờ được đề cập trong nghiên cứu”.
Ông lưu ý rằng các tác giả của nghiên cứu cho biết họ đã loại bỏ hai năm 2002 và 2019 trong hồ sơ để đảm bảo rằng “các sự kiện đặc biệt” không làm sai lệch kết quả phát hiện của họ.
Ông nhấn mạnh: “Những sự kiện đó đã được chứng minh là đã làm giảm đáng kể kích thước lỗ thông thiên văn, vì vậy việc đưa những sự kiện đó vào có thể sẽ vô hiệu hóa bất kỳ xu hướng tiêu cực dài hạn nào”.