Các nhà khoa học đã đóng góp hết sức hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch Covid-19
Ngày 18-10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự buổi làm việc của Bộ Khoa học và Công nghệ với các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học để trao đổi, đánh giá và đề xuất định hướng, giải pháp toàn diện của ngành khoa học, công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo.
Tham dự sự kiện có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội.
Tham dự buổi làm việc còn có các đồng chí: Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam; Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; các chuyên gia, nhà khoa học, các bác sĩ đến từ các các học viện, viện nghiên cứu, các bệnh viện trung ương đã nỗ lực tham gia quá trình chống dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá rất cao các nhà khoa học đã vào cuộc rất sớm, có nhiều đóng góp trí tuệ, thầm lặng nhưng hết sức hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch. Từ đó, góp phần xây dựng các chủ trương phòng, chống dịch đúng hướng, phù hợp với xu hướng thế giới và điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, truyền thống của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, trong mọi hoàn cảnh, khoa học đóng góp thầm lặng nhưng tiên phong. Từ những ngày đầu, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cùng Bộ Y tế và các nhà khoa học vào cuộc kịp thời phân lập, nuôi cấy thành công nCoV. Hoạt động nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng Covid-19 cũng được tiến hành rất sớm. Hiện nay, vắc xin Nanocovax do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen nghiên cứu đã được đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 và đang chờ Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp. Vắc xin Covivax do Viện Vắc xin và sinh phẩm Y tế nghiên cứu sản xuất đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-9 bằng công nghệ mRNA cho Công ty VinBioCare thuộc tập đoàn VinGroup (vắc xin ARCT-154). Hiện nay, vắc xin ARCT-154 đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3b và dự kiến sẽ xin cấp phép khẩn cấp vào tháng 12 tới đây. VinBioCare cũng đang xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin ARCT-154 tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Ở lĩnh vực thuốc điều trị, hiện thuốc PegLambda là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, đang được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên bệnh nhân Covid-19...
Các nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn thời gian qua cũng được các nhà khoa học tích cực thực hiện. Nhiều nghiên cứu về khoa học xã hội đã được tổng hợp và cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19.
Trong giai đoạn chống dịch hai năm qua, một lực lượng lớn nhà khoa học đã tham gia tình nguyện đóng góp vào hoạt động của Hệ tri thức Việt số hóa và Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19. Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, đã có hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia trong các nhiều lĩnh vực như y tế, công nghệ thông tin, toán học, xã hội học... và hàng nghìn tình nguyện viên làm việc liên tục từ ngày 8-3-2020 đến nay. Nhờ những đóng góp này, lực lượng phòng, chống dịch kịp thời có thông tin phục vụ truy vết, kiểm soát nguy cơ vùng dịch, khoanh vùng, đánh giá tình hình để đưa ra các biện pháp thích ứng kịp thời...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, thời gian vừa qua, cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam đã rất nỗ lực, chủ động thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng ngay vào sản xuất và đời sống, góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của cả nước.
Thời gian tới, ngành khoa học và công nghệ sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu “chung sống với Covid”, cũng như tiếp tục xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước nhằm đáp ứng việc phục vụ phòng, chống các đại dịch tương tự như Covid-19 trong tương lai. Trọng tâm là triển khai các nghiên cứu cơ bản về dịch tễ, vi rút học và tập trung thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia: “Nghiên cứu sản xuất vắc xin sử dụng cho người đến năm 2030”.
Toàn cảnh hội thảo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc chung sống an toàn với dịch bệnh là ở trong trạng thái bình thường mới kết hợp chủ động điều chỉnh tích cực ở mọi hoạt động đời sống xã hội. Phó Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu khẩn trương đánh giá tác động toàn diện của dịch bệnh Covid-19 từ y tế, sức khỏe, kinh tế, xã hội, tâm lý xã hội, giáo dục đến quản lý, điều hành, vận hành một đất nước, một cơ quan, một nhà máy xí nghiệp, đưa ra dự báo xu thế tương lai.
Về y tế, bên cạnh các chương trình đang triển khai về vắc xin, thuốc điều trị, công nghệ xét nghiệm…, Bộ Khoa học và Công nghệ cần duy trì cơ chế mở để giao nhiệm vụ khoa học công nghệ mới ngay khi có yêu cầu từ thực tế. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ trong thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành, sử dụng các loại vắc xin, thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị điều trị…
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở để sẵn sàng ứng phó dịch bệnh Covid-19 với bất kỳ biến chủng nào hoặc dịch bệnh khác lây nhiễm qua đường hô hấp trong tình huống khác nhau từ mức độ bình thường đến sự cố y tế công cộng nghiêm trọng, thậm chí tới mức thảm họa.
“Việc nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở phải kế thừa, kết hợp được những lợi thế hiện nay, lực lượng y tế tại chỗ (bao gồm y, bác sĩ nghỉ hưu, sinh viên trường y, quân y, dân y), ứng dụng công nghệ và một số biện pháp khác để giám sát dịch bệnh tốt hơn trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng mong muốn các nghiên cứu của giới khoa học nước nhà đặt trong tổng thể chung của thế giới cũng như điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam, đề ra những khuyến nghị lớn để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, không làm mất đi những cơ hội phát triển.
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.