Các nhà khoa học đã tìm ra một chế độ ăn mới đẩy lùi bệnh tật

Mới đây, một nghiên cứu với quy mô toàn cầu đã cho thấy, chế độ ăn Địa Trung Hải có thể làm giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc tử vong sớm.

Chế độ ăn Địa Trung Hải có thể giúp giảm nguy cơ đau tim và mất trí nhớ. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Chế độ ăn Địa Trung Hải có thể giúp giảm nguy cơ đau tim và mất trí nhớ. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Nghiên cứu vừa công bố trên Tạp chí Y khoa Anh quốc (BMJ) cho thấy, chế độ ăn Địa Trung Hải có thể mang lại lợi ích cho hàng trăm triệu người mắc bệnh béo phì, tiểu đường hoặc nguy cơ khác.

Kết quả khả quan và toàn diện

Hiện nay trên thế giới, người ta thực hành nhiều chế độ ăn kiêng khác nhau nhưng không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như mong đợi. Nghiên cứu lớn được tiến hành qua 40 cuộc thử nghiệm đã đưa ra kết quả khả quan về lợi ích của chế độ ăn Địa Trung Hải, với thực phẩm giàu dầu ô liu, các loại hạt, hải sản, ngũ cốc nguyên hạt và rau củ.

Theo BMJ, 40 thử nghiệm trên 35.548 người tham gia bảy chế độ ăn kiêng trong ba năm qua đã được các nhà khoa học Mỹ, Canada, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Colombia và Brazil nghiên cứu. Đó là chế độ ăn kiêng Địa Trung Hải, chế độ ăn ít chất béo, ăn rất ít chất béo, ăn chất béo biến đổi, ăn kết hợp ít chất béo và ít natri, chế độ ăn Ornish (ăn chay, ít chất béo và đường), và chế độ ăn Pritikin (ít chất béo, nhiều chất xơ, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và thịt đỏ). Trong đó, chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải được đánh giá là tốt nhất và khá toàn diện.

Báo cáo nghiên cứu nêu rõ, chế độ ăn Địa Trung Hải và chế độ ăn ít chất béo làm giảm khả năng tử vong và đau tim. Theo các tác giả của nghiên cứu, “bằng chứng khá chắc chắn cho thấy, chế độ ăn Địa Trung Hải và chế độ ăn ít chất béo (có hoặc không có hoạt động thể chất hoặc các biện pháp can thiệp khác) làm giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân và nhồi máu cơ tim không gây tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao”. Chế độ ăn này cũng làm giảm nguy cơ đột quỵ.

Bà Tracy Parker, chuyên gia dinh dưỡng cấp cao tại Viện Tim Anh quốc cho biết: “Cho dù bạn có nguy cơ mắc bệnh hay không thì lối sống lành mạnh bao gồm chế độ ăn uống cân bằng như chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim và tuần hoàn.

Theo bà Parker, việc thực hiện chế độ ăn này thật dễ dàng. “Hãy đảm bảo rằng bạn đang ăn nhiều trái cây và rau quả, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, cá, quả hạch và hạt, một số sản phẩm từ sữa ít béo và chất béo từ các nguồn không bão hòa như dầu ô liu. Điều quan trọng nữa là ăn ít thịt chế biến, muối và đồ ngọt”.

Chế độ ăn Địa Trung Hải được bắt nguồn từ các loại đồ ăn truyền thống của các nước ven biển Địa Trung Hải như Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Pháp.

Trong khẩu phần ăn sẽ tăng các thành phần có lợi cho sức khỏe như cá, rau, củ, trái cây, đậu và ngũ cốc nguyên hạt và giảm các thành phần như thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa, đồ ngọt.

Chế độ ăn Địa Trung Hải cũng được tạp chí BMC Medicine (Anh) công bố là có khả năng giúp giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.

Kết quả nghiên cứu được tạp chí này công bố ngày 15/3 cho thấy, có 882 trường hợp mắc chứng mất trí nhớ trong gần một thập niên qua, nhưng những người tuân theo chế độ ăn Địa Trung Hải nghiêm ngặt có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn 23% so với những người ăn theo chế độ khác.

Những sự lựa chọn

Có rất nhiều chế độ ăn kiêng giảm cân, nhưng đâu mới là cách thức phù hợp nhất để giảm cân mà không gây hại cho sức khỏe?

Chế độ ăn Ornish - do Giáo sư Dean Ornish của Đại học California, kiêm người sáng lập Viện nghiên cứu Y học dự phòng Hoa Kỳ tạo ra - ưu tiên vào những loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật như rau củ quả và cắt giảm một phần protein động vật, chất béo.

Tuy không phải là chế độ ăn kiêng hàng đầu nhưng Ornish được cộng đồng người giảm cân ưu tiên lựa chọn do hiệu quả an toàn cũng như tốt cho sức khỏe. Theo tờ báo uy tín của Mỹ US News thì chế độ ăn kiêng Ornish đứng top 9 trong bảng xếp hạng các chế độ ăn tốt nhất được người Mỹ tuân thủ.

Chế độ ăn kiêng Ornish tập trung hoàn toàn vào sức khỏe, cải thiện tình trạng tim mạch mà vẫn duy trì việc giảm cân, không gây căng thẳng, áp lực cho những người áp dụng.

Chế độ ăn kiêng Pritikin được nhà nghiên cứu dinh dưỡng người Mỹ Nathan Pritikin phát triển vào năm 1970 với mục tiêu hướng đến lối sống lành mạnh, từ đó hỗ trợ giảm cân và cải thiện sức khỏe cho hệ tim mạch.

Chế độ ăn kiêng này tập trung chủ yếu vào những thực phẩm chưa qua chế biến, ít chất béo và nhiều chất xơ, cùng với việc kết hợp tập thể dục, thể thao hàng ngày và duy trì một tinh thần sảng khoái, thoải mái.

Chế độ ăn Vegan (ăn thuần chay) là chế độ ăn khắt khe nhất trong tất cả các chế độ ăn kiêng, do nó loại bỏ hoàn toàn các thực phẩm từ động vật ra khỏi thực đơn vì các lý do liên quan đến vấn đề đạo đức, môi trường hay sức khỏe.

Người theo chế độ ăn thuần chay không chỉ cắt bỏ khẩu phần thịt khỏi thực đơn mà còn loại bỏ sữa, trứng, các thực phẩm có nguồn gốc động vật như gelatin, mật ong, lòng trắng trứng, váng sữa…

Chế độ ăn Paleo tập trung vào các loại protein nạc, rau, trái cây, các loại hạt, đồng thời không khuyến khích các loại thực phẩm chế biến, đường, sữa hay ngũ cốc trong thực đơn. Một vài phiên bản của chế độ ăn Paleo có thể có thêm phô mai, bơ, khoai tây hay khoai lang.

Các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn Paleo giúp giảm số cân nặng và số đo vòng eo. Những người theo chế độ ăn Paleo nhận thấy mình ăn nhiều protein và ít hơn 300-900 calo mỗi ngày.

Cách ăn kiêng này cũng được xem là có hiệu quả giảm các yếu tố nguy cơ liên quan đến tim mạch như cholesterol, đường huyết hay huyết áp cao. Tuy vậy, có hạn chế là chế độ ăn Paleo loại bỏ ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa vốn giàu dinh dưỡng và tốt cho cơ thể.

(tổng hợp)

HOÀNG TRUNG HIẾU

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-nha-khoa-hoc-da-tim-ra-mot-che-do-an-moi-day-lui-benh-tat-222514.html